COP-26 bế mạc với thỏa thuận mới về khí hậu toàn cầu
(QNO) - Ngày 13.11, Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) bế mạc tại Scotland với thỏa thuận mới cho hy vọng ngăn chặn trái đất nóng lên.
Thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow
Như vậy, sau 2 tuần nhóm họp, gần 200 quốc gia tham gia đã thông qua hiệp ước mới về biến đổi khí hậu - Hiệp ước khí hậu Glasgow nhằm ủng hộ việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng CO2, giảm quy mô sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C, có thể ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với mức tiền công nghiệp.
Vào năm 2022, các chính phủ phải xem xét và củng cố các mục tiêu giảm khí thải vào năm 2030.
Thế giới cần cắt giảm mạnh khí thải, gồm mục tiêu đạt Net - Zero (cân bằng lượng khí nhà kính do hoạt động của con người tạo ra với một lượng tương đương được loại bỏ khỏi bầu khí quyển) vào năm 2050.
Hiệp ước thúc giục các quốc gia giàu có trên thế giới thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2025 để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năng lượng từ than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2 cần được giảm dần, chấm dứt tài trợ các dự án than đá và thừa nhận nhu cầu chuyển đổi có hỗ trợ - theo yêu cầu của các nước đang phát triển, vì các nước này cần năng lượng để phát triển kinh tế...
Bất chấp sự dè dặt, nhiều đại biểu COP-26 cho rằng, Hiệp ước khí hậu Glasgow thể hiện một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hiệp ước đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng.
Các thỏa thuận quan trọng khác tại COP-26
Một trong những thỏa thuận quan trọng khác là các nhà lãnh đạo từ hơn 120 quốc gia bao gồm Việt Nam, đại diện cho khoảng 90% diện tích rừng trên thế giới cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030.
Hơn 100 quốc gia gồm Việt Nam ký vào Cam kết cắt giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu - một sáng kiến do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên đề xuất vào tháng 9.2021, góp phần cắt giảm khí thải nhà kính, ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Hơn 40 quốc gia bao gồm những nước sử dụng than lớn như Ba Lan, Việt Nam, Chile và nhiều tổ chức cam kết loại bỏ điện than theo lộ trình.
Khu vực tư nhân với gần 500 công ty dịch vụ tài chính toàn cầu đồng ý điều chỉnh 130.000 tỷ USD - khoảng 40% tài sản tài chính của thế giới, với các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris, bao gồm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Về giao thông xanh, hơn 100 quốc gia, thành phố, tiểu bang và các công ty ô tô lớn ký Tuyên bố Glasgow về không phát thải cho ô tô và xe tải với cam kết loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến năm 2040.
Điểm nổi bật tại COP-26 cũng phải kể đến thoả thuận chung về biến đổi khí hậu mang tên "Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020" giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 quốc gia có lượng phát thải lớn nhất thế giới.