Tản mạn của một người mê đọc sách

ĐÌNH QUÂN 11/11/2021 11:16

(QNO) - Sách là thực phẩm nuôi dưỡng đời sống tinh thần chúng ta.

Tôi từng có một thời thả mơ mộng bay theo hàng ngàn trang sách. Mỗi ngày không cầm sách tôi cảm thấy như thiếu vắng điều gì. Có phải tôi làm đúng như ý của người xưa: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (Vạn nghề đều thấp kém, duy có sự đọc sách là cao quý)? Tôi không biết! Nhưng với tôi đọc sách có niềm đam mê là hướng thượng và hướng hạ.

Hướng thượng là hướng đến những điều cao quý làm lợi dưỡng tâm trí; hướng hạ là hướng đến những điều thấp kém làm hoại hại tâm hồn. Đôi dòng tản mạn sách tôi nhớ và ghi chép ra đây về người anh họ, hai người bạn thân, tất cả có một thời họ đều ham mê sưu tầm sách, đam mê đọc sách có khi quên cả sự ăn ngủ.

Cùng đọc sách. Ảnh: C.N
Cùng đọc sách. Ảnh: C.N

Nhưng dòng thời gian vụt trôi tủ sách, kho sách của họ biết có còn gìn giữ hay cho đi và cả sự được - mất, thành - hoại còn tùy thuộc vào nhiều nhân duyên. Nhưng rồi tôi vẫn tin một điều rằng, sách hãy được cho đi, tri thức mới còn để lại!

Anh Bốn, con bác ruột tôi, lúc tuổi còn trẻ vừa đi làm vừa đi học ở Sài Gòn anh cũng đam mê đọc sách và đã vun vén cho mình được một tủ sách nho nhỏ. Lớn lên tìm đọc trong tủ sách của anh tôi mới hiểu anh rất yêu quý sách. Giở đầu trang mỗi quyển sách, anh đều ghi rõ mua ở đâu, thời điểm nào, ký tên, có khi đóng thêm con dấu đỏ…

Ngày ấy sách được bao bọc bằng giấy dầu, và sau này tiến bộ hơn ép nhựa plastic hay bọc ny lông… Nhìn chung anh Bốn giữ sách khá kỹ lưỡng. Năm tôi học lớp 10, nhóm chúng tôi thuyết trình tác phẩm Bướm trắng của Nhất Linh.

Cả nhóm về đều đọc xong quyển tiểu thuyết nhưng rồi lại đi ra đi vào và tự hỏi tại sao nhà văn lại đặt cái nhan đề là Bướm trắng nhỉ? Ý cốt lõi của truyện thế nào? Điều gì nhà văn muốn gửi gắm? Biết bao câu hỏi đặt ra và nhóm có vẻ “bí”.

Ngày hôm sau tôi thoáng nghĩ tại sao mình không lục tìm trong tủ sách của anh Bốn. Sau khi anh Bốn đồng ý trao cho chiếc chìa khóa để mở tủ sách, tôi rất mừng khi may mắn lật ngay ở tạp chí Văn số 37 có bài tiểu luận của Đặng Tiến về Bướm trắng.

Bài của Đặng Tiến văn phong khá hàn lâm, nhiều chỗ đọc không hiểu, nhưng nhóm chúng tôi vẫn nắm được những ý chính. Nhờ đó, kết quả thuyết trình của chúng tôi thành công mỹ mãn và đạt điểm số khá cao.

Một bữa rảnh rỗi tôi cắc cớ hỏi anh Bốn: Anh giữ sách kỹ như vậy để làm gì? Để cho con cháu sau này có cái để đọc, để học… Sau năm 1975, vì bác tôi già yếu, nhà neo người nên anh Bốn tôi về lại quê nhà làm ruộng và không quên mang theo tủ sách.

Những năm thời bao cấp, đời sống kinh tế khó khăn và sách vở ở miền Nam không được quý chuộng nên anh xếp xó sách vào trong những chiếc thùng các tông đem gác trên xà nhà. Năm tháng vụt trôi nhanh, tưởng sách vở chẳng mong còn ý nghĩa gì… và anh Bốn cũng bận làm lụng nên quên bẵng.

Có một hôm anh chợt nhớ muốn lục tìm trong sách một điều gì đó để đem ra dẫn chứng. Khi lôi những chiếc thùng các tông sách ra, anh thất kinh khi thấy cơ man nào là mối, mối rần rần bốc mùi ẩm mốc. Mối ăn sách chẳng còn một trang nào còn nguyên vẹn… Vậy là ước nguyện của anh Bốn sách để lại cho con cháu đời sau trở thành công cốc!

Tôi chơi thân với Huỳnh Ngọc Chiến, biết Chiến đam mê đọc sách. Mỗi khi học về hay làm bài tập xong là Chiến dán mắt vào sách. Chiến giỏi Hán văn. Thuở đầu Chiến học vỡ lòng chữ Hán với cậu Bảy và quãng đời tiếp theo đó Chiến tự học chữ Hán từ các pho kinh của Phật giáo. Chiến cũng rất mê truyện chưởng của Kim Dung từ nhỏ qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng… viết dưới hình thức feuilleton đăng từng kỳ trên nhật báo hoặc cả khi in thành sách…

Tại Trung Quốc vào năm 1984, Bắc Kinh bãi bỏ lệnh cấm và cho phép in 15 tác phẩm của Kim Dung. Còn ở Việt Nam thì phải chờ đến năm 1990 Bộ VH-TT mới cấp phép lưu hành các tác phẩm của Kim Dung… Đấy cũng là dịp để Huỳnh Ngọc Chiến đặt mua sách nguyên bản chữ Hán của Kim Dung trên mạng hay loanh quanh tìm ở chợ bán sách cũ tại Sài Gòn, Chợ Lớn... và cũng là “cơ hội” để Chiến thi triển tài năng.

Khởi đầu là bài viết Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung nhìn qua lăng kính triết học truyền thống phương Đông đăng trên Kiến thức ngày nay. Liền theo đó Chiến nhận được thư của ban biên tập đặt hàng. Có thể nói sau vài năm đăng loạt bài về Kim Dung, Huỳnh Ngọc Chiến trở thành nhà “Kim Dung học”. Sau này Chiến sắp xếp lại in thành tập Lai rai chén rượu giang hồ khá nổi tiếng.

Không biết từ khi nào Chiến tạo riêng cho mình một tủ sách Hán văn khá đầy đặn. Sách bày ra từ Tứ Thư Ngũ Kinh, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh, văn học thời Tần Hán, trứ tác của bách gia chư tử, các bản kinh luật luận Thiền tông ở Trung Quốc, và không thể thiếu các bộ sách kiếm hiệp của Kim Dung…

Trước ngày chưa phát hiện bệnh hiểm nghèo, Chiến nói ở Tam Kỳ biết có ai thích đọc loại sách chữ Hán, mình muốn tặng toàn bộ tủ sách này. Tại sao không giữ lại cho con cháu? Không có đứa nào tiếp nối cả. Rồi tôi có giới thiệu cho Chiến vài người. Nghe nói sau đó Chiến đem tặng sách cho thầy trụ trì một ngôi chùa tại Hà Lam – Thăng Bình.

Tôi còn một người bạn nữa cũng mê đọc sách từ thuở nhỏ. Bạn là Phạm Văn Nga bút danh Nguyên Cẩn - một cây bút góp mặt thường xuyên của tạp chí Văn hóa Phật giáo và Báo Giác Ngộ TP.Hồ Chí Minh. Bạn có một “lầu sách”. Lên phòng văn của bạn cơ man nào là sách. Bạn có đầy đủ bộ Đuốc Tuệ, Viên Âm, Từ Quang...

Năm trước có vị sư đến mượn mình bộ Viên Âm để chụp ảnh in sao lại. Mới đây, bạn phát tâm hiến tặng 4 tủ sách với hơn 3.000 báo - kinh - sách Phật học cho thư viện chùa Giác Nguyên, quận 4, TP.Hồ Chí Minh.

Thông tin vừa đưa lên Facebook có bạn nơi xa động lòng trắc ẩn, chắc là Nguyên Cẩn gặp cơ sự gì đây mà tặng sách... Với tôi vẫn vẹn nguyên một niềm tin sâu sắc vào bạn, như trong Bài thơ tặng sách bạn cảm tác: “Hôm nay xin trao tặng sách cho chùa/ Chỉ giữ lại một tâm hồn trống không”.

Bạn gọi điện nói chuyện với tôi rất nhiều, sau khi tặng được sách cho chùa lòng mình rất nhẹ, giấc ngủ sâu hơn. Nghĩ ra rồi tất cả đều như mộng như huyễn như sắc sắc không không... Cái gì làm được thì phải làm ngay từ bây giờ.

“Đêm một mình ngồi lặng trước Mâu Ni/ Nghe vọng lại một bài kinh vô tự/ Chẳng có gì mà “hà tư hà lự”/ Đời không ta từ lúc có ta rồi/ Hạt nước nào lại chẳng chảy cùng trôi/ Sao níu được vô thường kia đứng mãi/ Nên tặng sách cho những người ở lại/ Nguyện cho đời tinh tấn những bình minh” (Bài thơ tặng sách – Nguyên Cẩn).

Huỳnh Ngọc Chiến và Nguyên Cẩn là hai nhà nghiên cứu Phật học. Trang tác giả và tác phẩm của hai bạn đều có thư mục trên Thư viện Hoa sen.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nền khoa học công nghệ phát triển đến chóng mặt. Tất cả dòng thông tin được cập nhật trong tích tắc. Nếu trước đây muốn có một tài liệu, một dữ liệu, một dữ kiện chúng ta phải mất rất nhiều thì giờ kiếm tìm trong sách, trong tủ sách, trong thư viện…

Nhưng giờ đây chỉ cần vài cái nhắp, quẹt là có ngay ra cái ta cần. Phải nói ngày nay nhờ có sự kết nối mạng lưới toàn cầu đã mở ra cho chúng ta một siêu xa lộ thông tin, nhờ đó mà con người kề vai sát cánh với nhau, hiểu nhau hơn và thế giới cũng được gần hơn.

Trong Khế kinh nói: “Có  bốn loại thực phẩm” đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực. Bốn loại thức ăn này cần thiết cho các chúng sanh từ dục giới đến các cõi trời. Đọc sách có liên quan đến xúc thực. Xúc thực là thức ăn ta đưa vào bằng sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Xem truyền hình, đọc sách trên mạng, đọc báo, nghe đài đều là  xúc thực. Và tư niệm thực cũng là thức ăn bằng ý niệm, tư tưởng, ý chí; nói chung là các món ăn tinh thần, như giải trí, đọc sách trên internet hay niềm tin vào tôn giáo... Trong thời đại kỹ thuật số, internet có thể là nguồn thức ăn hữu ích, nhưng cũng có thể là nguồn thức ăn độc hại. Người đọc sách phải có chánh niệm và sáng suốt nhận ra, chọn lựa đâu là nguồn thức ăn lành mạnh để nuôi dưỡng lòng từ bi.

Trong giấc mơ tôi vừa xúc chạm, suy niệm qua từng trang sách với những dòng chữ tinh nguyên còn thơm mùi giấy mực vương ngàn hương sắc bay về tô thắm trong vườn văn.

ĐÌNH QUÂN