Tính toán tăng mức thưởng thành tích thể thao
Vận động viên đạt thành tích tại các giải thể thao quốc gia có thể sẽ được thưởng gấp đôi so với hiện tại nhằm tạo động lực phấn đấu trong tập luyện và thi đấu. Kế hoạch này đang được các ngành chức năng bàn thảo để trình HĐND tỉnh quyết định tại kỳ họp tới.
Khuyến khích, động viên
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, đề án mức thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích tại các giải thể thao toàn quốc, cấp tỉnh do sở soạn thảo đã nhận được sự góp ý và đồng thuận cao của các sở, ban, ngành, địa phương.
Điều đáng chú ý của đề án này là mức tiền thưởng dành cho vận động viên (VĐV) đoạt huy chương vàng (HCV) đại hội TD-TT toàn quốc sẽ nâng lên 15 triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với mức thưởng đang được thực hiện (theo Quyết định 19, ngày 3.7.2013 của UBND tỉnh).
Tương tự, mức thưởng đối với huy chương bạc (HCB) tăng lên 9 triệu đồng và 6 triệu đồng cho huy chương đồng (HCĐ). Riêng VĐV nếu phá kỷ lục được đề xuất thưởng thêm 9 triệu đồng.
Theo dự thảo, mức thưởng HCV, HCB, HCĐ tương ứng với các giải: đại hội TD-TT toàn quốc: 15 - 9 - 6 triệu đồng; vô địch quốc gia: 12 - 7,2 - 4,8 triệu đồng; giải trẻ, cúp từ 18 tuổi trở lên: 6 - 3,6 - 2,4 triệu đồng, từ 16 - dưới 18 tuổi: 5 - 3 - 2 triệu đồng, từ 12 - dưới 16 tuổi: 4 - 2,4 - 1,6 triệu đồng, dưới 12 tuổi: 3 - 1,8 - 1,2 triệu đồng.
Theo ông Phan Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Thi đấu tỉnh, đại hội TD-TT toàn quốc 4 năm diễn ra một lần và mức độ cạnh tranh quyết liệt hơn cả trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia nên đề xuất mức thưởng cao nhất. Hơn nữa để có được tấm huy chương tại đại hội, VĐV phải quyết tâm tập luyện trong thời gian dài đến 4 năm trời.
“Thực tế kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, ở mỗi kỳ đại hội TD-TT toàn quốc, thể thao Quảng Nam chỉ giành được 3 - 4 HCV. Điều đó cho thấy để có thể bước lên bục cao nhất của đại hội là rất khó khăn. Vì vậy, mức thưởng 15 triệu đồng đối với HCV cũng là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của VĐV” - ông Hạ nói.
Trước băn khoăn mức thưởng theo đề xuất thuộc loại cao so với một số tỉnh thành, ông Hạ cho biết đúng là mức thưởng có cao hơn song về tổng thể, chế độ chính sách hàng tháng khác đối với VĐV của tỉnh thấp hơn nhiều, nhất là so với Đà Nẵng.
“VĐV của tỉnh gần như chỉ có tiền thưởng còn VĐV ở Đà Nẵng có chế độ thu hút, chính sách hỗ trợ hàng tháng. Vì vậy, mức thưởng đề xuất cao cũng là cách nhằm khuyến khích, động viên VĐV tập luyện, thi đấu” - ông Hạ chia sẻ.
Tạo sự công bằng
Bên cạnh nâng mức tiền thưởng, lần này việc khen thưởng cũng được xác định theo từng cấp độ giải đấu khác nhau. Nếu như trước đây tất cả giải trong hệ thống thi đấu quốc gia đều theo mức chung trong khen thưởng thì lần này tùy tính chất của từng giải đấu, thậm chí từng độ tuổi mà có các mức thưởng khác nhau.
Ông Tào Viết Hải phân tích, đại hội TD-TT toàn quốc 4 năm diễn ra một lần, mức độ cạnh tranh quyết liệt nhất nên mức thưởng cao nhất. Sau đó mới đến giải vô địch quốc gia từng môn và cuối cùng là giải cúp, giải trẻ.
Nhưng trong giải cúp, giải trẻ cũng chia theo độ tuổi, gồm 18 trở lên, 16 - dưới 18, 12 - dưới 16 và dưới 12 tuổi. Ngoài ra, các giải thể thao quần chúng trong hệ thống thi đấu quốc gia, khu vực cũng được chia thành 2 mức thưởng.
Những môn có nội dung thi đấu tập thể cũng được đề xuất hưởng mức thưởng bằng số lượng người được thưởng theo quy định điều lệ giải nhân với mức thưởng tương ứng đối với VĐV. Điều này cũng tạo ra sự băn khoăn cho nhiều người vì với cách tính này thì số tiền thưởng lên đến vài trăm triệu đồng, như môn bóng đá chẳng hạn.
Song theo lý giải của ông Phan Văn Hạ, những môn thi đấu tập thể như bóng đá, bóng chuyền nếu giành HCV đại hội TD-TT toàn quốc thì phần thưởng cho các VĐV cao cũng là điều hoàn toàn xứng đáng. “Chỉ có điều, treo thưởng hấp dẫn như vậy nhưng thực tế rất khó để được nhận” - ông Hạ nói.
Về ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc thưởng 2 lần khi VĐV đoạt giải cấp tỉnh tiếp tục được thưởng khi giành giải quốc gia, ông Hạ cho biết trường hợp này có thể có trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; còn với thể thao, điều này gần như không bao giờ xảy ra.
Bởi VĐV thi đấu giải tỉnh chỉ là VĐV phong trào ở các địa phương hoặc là VĐV trẻ mới tập luyện. Muốn trở thành VĐV dự giải quốc gia phải được tập trung đào tạo 5 - 7 năm tại Trung tâm Đào tạo - Thi đấu tỉnh và thử thách qua nhiều giải đấu trẻ quốc gia trước khi dự giải vô địch quốc gia và đại hội.