Nghề cào lươn trên sông Bàn Thạch

THÀNH LINH 07/11/2021 20:06

(QNO) - Những trận lụt đầu mùa đem về một nguồn lợi khá độc đáo cho những lão nông ở TP.Tam Kỳ. Chỉ bằng dụng cụ khá thô sơ, họ có thể kiếm được thu nhập kha khá từ nghề cào lươn, từ đáy sông Bàn Thạch.

Sáng sớm, người cào lươn xuống khúc sông gần Cồn Thị để bắt đầu công việc của mình. Ảnh: T.L
Sáng sớm, người cào lươn kéo về đoạn sông gần Cồn Thị để bắt đầu công việc của mình. Ảnh: T.L

Đoạn sông gần Cồn Thị (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) trở thành điểm đến của những người thợ cào lươn trong vùng. Họ chế dụng cụ cào là một thanh sắt uốn hình chữ V, gắn vào thân tre dài khoảng 1,5 mét để bắt đầu hành nghề.

Những người cào lươn mang theo một chiếc can nhựa để đựng lươn và dàn hàng ngang để cào. Ảnh: T.L
Những người cào lươn mang theo một chiếc can nhựa để đựng lươn và dàn hàng ngang để cào. Ảnh: T.L

Với giá khoảng hơn 100 nghìn đồng mỗi ki lô gam, mỗi buổi, người cào lươn có thể kiếm thu nhập khoảng vài trăm nghìn đồng. Những con lươn đồng vàng óng rất được ưa chuộng, đa phần sẽ được các hàng quán thu mua để về chế biến cho khách.

Dụng cụ cào lươn là một thanh sắt uốn hình chữ V để cào sâu xuống lớp bùn non đáy sông. Ảnh: T.L
Dụng cụ cào lươn là một thanh sắt uốn hình chữ V để cào sâu xuống lớp bùn non đáy sông. Ảnh: T.L

Những người cào lươn cho hay, chỉ khi con nước rút mới có thể lội xuống sông Bàn Thạch để cào lươn dưới lớp bùn non.

Ông Nguyễn Phú Nhuận (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) cho biết, khi đi cào lươn sẽ một nhóm từ 3 đến 4 người dàn hàng ngang cách nhau vài mét và bắt đầu cào qua lại dưới lớp bùn để tìm lươn. “Tranh thủ con nước cạn, chúng tôi đi cùng nhau kiếm thêm thu nhập từ việc bắt lươn bằng cào này. Cũng có bữa nhiều bữa ít, làm vì vui và cũng có thêm thu nhập cho gia đình trong mùa mưa” - ông Nhuận nói.

Đoạn sông này nước ngập ngang ngực, người cào lươn phải ngâm mình suốt cả buổi để tìm lươn. Ảnh: T.L
Đoạn sông này nước ngập ngang ngực, người cào lươn phải ngâm mình suốt cả buổi để tìm lươn. Ảnh: T.L

Theo lời những người đi cào lươn, nơi họ chọn thường là vùng sông ít vật cản, chủ yếu là bùn để dễ cào. Mực nước thường thường từ nửa mét đến 1,4m để dễ di chuyển. 

Ông Nhuận tóm được một con lươn to mắc vào cào. Ảnh: T.L
Ông Nhuận tóm được một con lươn to mắc vào cào. Ảnh: T.L

Với nghề này, tất cả các mùa trong năm đều có thể làm được, song mùa mưa lươn thường có kích thước lý tưởng hơn. Nhất là sau những đợt mưa lớn, sau khi nước rút thấp lại như cũ, năng suất sẽ tốt hơn so với ngày thường. 

Những con lươn mùa lũ vàng óng, mang về thu nhập khá cho người cào lươn. Ảnh: T.L
Những con lươn mùa lũ vàng óng, mang về thu nhập khá cho người cào lươn. Ảnh: T.L

Thời gian đầu, nhiều người cào lươn sử dụng thanh sắt to để tăng diện tích, tuy nhiên việc này gây nguy hiểm khi di chuyển theo cây cào và khó cảm nhận khi lươn mắc vào cào nên dần dần dụng cụ cào được làm nhỏ, cong hơn, giúp họ làm được cả những vùng nước ngập sâu đến cổ. 

Khúc sông quanh Cồn Thị vẫn luôn là địa điểm quen thuộc của người cào lươn suốt nhiều năm nay. Ảnh: T.L
Khúc sông quanh Cồn Thị vẫn luôn là địa điểm quen thuộc của người cào lươn suốt nhiều năm nay. Ảnh: T.L

Không chỉ là một nghề, đi cào lươn còn mang lại niềm vui với những người dân quen sông nước ở phường Phước Hòa, giữ một chút hồn quê ngay trong lòng phố thị.

THÀNH LINH