Chuyện Phạm Phú Thứ trùng tu đền Trần
Từ xưa đền thờ Đức Thánh Trần được tôn dựng ở nhiều địa phương trên cả nước. Phạm Phú Thứ đã từng có công trong việc trùng tu đền Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc, khi làm Tổng đốc Hải Dương và Quảng Yên.
Phạm Phú Thứ rất chú trọng vấn đề tín ngưỡng. Trong số 26 quyển của "Giá Viên toàn tập" có 1 quyển (quyển 23) là "Kỳ tế văn" tập hợp những tác phẩm văn cúng (nói chung) của Phạm Phú Thứ đã sử dụng ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, nhiều sự việc khác nhau. Đồng thời Phạm Phú Thứ cũng rất quan tâm đến các di tích nói chung và di tích/cơ sở tín ngưỡng nói riêng.
Ông chủ xướng và tham gia quá trình xây dựng, trùng tu, sáng tác câu đối, văn bia cho di tích. Ví dụ khi nhiệm sở ở vùng đất Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay, Phạm Phú Thứ đã làm câu đối ở đền thờ Hưng Đạo vương, miếu Hội đồng Hải Dương, đền Trung Dũng Hải Dương…; soạn văn bia trùng tu đền thờ Trần Hưng Đạo.
Câu đối ở đền thờ Hưng Đạo vương (Hưng Đạo vương từ) do Phạm Phú Thứ soạn có nội dung: Trùng hưng công nghiệp lưu thanh sử/Vạn Kiếp uy linh tố Bạch Đằng (Sự nghiệp trùng hưng [đất nước] (của Trần Hưng Đạo) lưu truyền sử xanh/ Uy linh Vạn Kiếp thuở nào vẫn còn ghi nhớ trên dòng Bạch Đằng).
Phạm Phú Thứ đã soạn văn bia Trùng tu Trần Hưng Đạo vương từ ký vào năm Tự Đức thứ 32 (1879). Văn bia này có giá trị tư liệu về lịch sử xây dựng, quá trình trùng tu và cấu trúc của đền thờ Trần Hưng Đạo. Theo văn bia này, đền thờ Trần Hưng Đạo ở núi Vạn An thuộc địa giới cùng cực phía Tây Bắc của tỉnh Hải Dương, nơi mà xưa kia Hưng Đạo vương đã tổ chức hội họp quân và đánh quân Nguyên, là đền thờ linh thiêng đứng đầu hai châu Đông Bắc, được đời đời thờ phụng.
Vào thời Phạm Phú Thứ, vấn đề niên đại đền thờ có từ bao giờ vẫn chưa được tường tỏ, chỉ nhìn thấy đền thờ gồm 5 phần, kiểu cách rất cổ, nhưng chịu ảnh hưởng bởi chiến trận nên bị hư hỏng nhiều. Văn bia cũng cho biết phía trước đền là một khoảng trống rộng không cửa ngăn, có lầu phía đông (đã hư) và lầu phía bắc, có 2 giếng xưa nước rất ngọt nhưng một cái đã bị bỏ đi.
Phạm Phú Thứ tổ chức trùng tu đền thờ Trần Hưng Đạo gồm các việc: lợp lại đền, sửa chữa hành lang phía bắc bị nát, dựng lại lầu ở đằng đông phía trước để đăng đối với lầu phía bắc, đào sâu và xây lại cái giếng bị bỏ, xây cổng cũ cho rộng và cao hơn, xây tường gạch 2 bên sân ngoài, phía trước dựng cửa tam quan, xây bờ đá trên bến Lục Đầu trước ở phía trước cửa tam quan để tiện đi lại.
Quá trình trùng tu đền thờ Trần Hưng Đạo hết 4 năm, từ năm Bính Tý (1876) tới năm Kỷ Mão (1879), với số tiền không dưới 4, 5 nghìn quan tiền. Bản thân ông cũng xuất tiền lương bổng đóng góp vào việc trùng tu đền.
Phạm Phú Thứ cũng nhiều lần đến cầu khấn ở đền Trần về việc nước. Khi thì yết đảo “sắp tới đây, đất Ninh Hải mở cửa bán buôn, người xa đến mừng rỡ nương nhờ, cầu xin thần bảo vệ đất nước, giúp đỡ dân ta, ngăn chặn bọn ngoại nhân khinh nhờn”, khi thì ngưỡng mong Đại vương tôn thần thương xót cảnh dân sinh, âm trợ để an ủi.
Hiện tại đền Trần ở Kiếp Bạc có tấm bia đá của vua Trần Thánh Tông viết về Hưng Đạo đại vương. Tấm bia của Phạm Phú Thứ soạn đã bị thất lạc, nhưng vẫn thể hiện niềm vinh dự của Phạm Phú Thứ khi được cẩn bút về Đức Thánh Trần của dân tộc.
Tuy dung lượng câu chữ không nhiều, nhưng văn bia Trùng tu Trần Hưng Đạo vương từ ký của Phạm Phú Thứ đã cung cấp nhiều thông tin quý báu về di tích tín ngưỡng đền thờ Trần Hưng Đạo, một di tích tín ngưỡng nổi tiếng ở Việt Nam xưa nay.