Quản lý đàn vật nuôi lỏng lẻo

TÂM ĐAN 05/11/2021 11:06

Việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, công tác quản lý đàn vật nuôi ở một số địa phương lỏng lẻo...

Công tác quản lý các động vật nuôi (chó, mèo) ở một số địa phương lỏng lẻo. Ảnh: CTV
Công tác quản lý các động vật nuôi (chó, mèo) ở một số địa phương lỏng lẻo. Ảnh: CTV

Tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp

Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam cho biết, việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt; công tác thống kê, quản lý đàn chó nuôi đã được thực hiện ở Quảng Nam từ tháng 11.2017 đến năm 2019.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp tổ chức tập huấn, in 33 nghìn tờ rơi phòng chống bệnh dại cấp phát đến người nuôi chó; xây dựng các clip tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh dại phát sóng Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh và tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh xã…

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hơn 172 nghìn con (số liệu thống kê ngày 1.1.2021). Trong giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh xảy ra 11 ổ dịch bệnh dại động vật ở 9 xã thuộc 4 huyện Hiệp Đức, Nam Giang, Tiên Phước và Quế Sơn. Tổng số động vật mắc bệnh và buộc tiêu hủy là 46 con (11 con bò và 35 con chó). Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 5 người tử vong vì bệnh dại. Số người bị chó cắn phải điều trị dự phòng hơn 19 nghìn người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế.

Từ năm 2020 - 2021, do không được tiếp tục bố trí kinh phí nên việc điều tra, thống kê tổng đàn chó tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh không được duy trì. Đặc biệt, kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên tổng đàn chó thực tế trong 5 năm qua rất thấp, chưa đảm bảo để phòng bệnh.

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2020 cả tỉnh có hơn 195.410 con chó nuôi, tuy nhiên chỉ có 24.509 con chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại, đạt 12,5% (tỷ lệ này trên toàn quốc là 49,2%).

Có 9 huyện tỷ lệ tiêm phòng thấp dưới 20%, trong đó có 3 huyện miền núi cao không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi là Nam Trà My, Đông Giang và Tây Giang.

Loại trừ bệnh dại

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2017 đến tháng 8.2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố (trung bình mỗi năm có 76 người tử vong vì bệnh dại). Một khảo sát khác cho biết, trong 10 năm (từ 2005 - 2014), tổn thất về kinh tế do dịch bệnh dại tại Việt Nam khoảng 15 nghìn tỷ đồng (trung bình mỗi năm tổng thất tương đương 1,5 nghìn tỷ).

Ngành chuyên môn cho rằng những tồn tại, hạn chế của công tác phòng, trừ bệnh dại hiện nay là công tác quản lý các động vật nuôi (chó, mèo) một số địa phương còn lỏng lẻo. Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó. Hầu hết các địa phương chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông, xử lý động vật nghi mắc bệnh dại.

Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin dại cho chó đạt tỷ lệ thấp hơn so với mục tiêu chương trình đặt ra. Số lượng chó được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hàng năm của địa phương, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin đạt dưới 30%... Trong khi việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm.

Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, tổng đàn chó, mèo được tiêm phòng vắc xin dại đạt 70% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 80%.

Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh dại cấp huyện hoặc vùng liên huyện và ít nhất 10 cơ sở an toàn dịch bệnh dại cấp xã… Để thực hiện các mục tiêu, Bộ NN&PTNTN cho rằng bài học kinh nghiệm là nơi nào có sự quan tâm vào cuộc, phối hợp triển khai thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì nơi đó thành công. Do đó, các tỉnh, thành phố cần quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo để đảm bảo thực hiện được mục tiêu, hạn chế những hậu quả mà bệnh dại gây ra.

TÂM ĐAN