Cam kết toàn cầu cắt giảm phát thải mê-tan

QUỐC HƯNG 04/11/2021 14:21

(QNO) - Ngày 2.11, Hiệp hội Khí mê-tan toàn cầu đặt mục tiêu hạn chế 30% phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với 2020.

Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen công bố
Chủ tịch Ủy ban EU - bà Ursula von der Leyen công bố cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu tại COP-26. Ảnh: Gettyimage

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26), hơn 100 quốc gia bao gồm Việt Nam ký vào cam kết cắt giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu - một sáng kiến ​​do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên đề xuất vào tháng 9.2021.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban EU nói: “Chúng ta không thể đợi đến năm 2050. Mê-tan là một khí nhà kính mạnh. Khoảng 30% sự nóng lên toàn cầu kể từ cuộc cách mạng công nghiệp là do phát thải mê-tan”.

Dù khí thải các-bon đi-ô-xit (CO2) có nhiều hơn và tồn tại lâu hơn trong bầu khí quyển, khí mê-tan gây ra sự nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với khí CO2.

Vì vậy, cắt giảm mê-tan là một trong những điều hiệu quả nhất mà thế giới có thể làm để giảm sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn và giữ nhiệt độ trái đất xuống dưới mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, cam kết bao gồm các quốc gia thải ra gần một nửa lượng khí mê-tan và chiếm 70% GDP toàn cầu và ông tin rằng việc cắt giảm mêt-tan có thể vượt xa mục tiêu 30% vào năm 2030.

Hạn chế lượng khí thải mê-tan không chỉ giúp giảm nhiệt độ trái đất mà còn giúp cải thiện sức khỏe con người như giảm bệnh hen suyễn, các trường hợp khẩn cấp liên quan đến hô hấp khác, giảm ô nhiễm nguồn đất và cải thiện mùa màng, thúc đẩy nền kinh tế.

Các nước phát thải lớn như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ không nằm trong cam kết. Bởi tất cả cam kết đều là tự nguyện, không có bất kỳ sự ràng buộc nào. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát đều coi cam kết trên là một bước đi tốt cho thế giới và một động lực cho hội nghị COP-26.

Khoảng 40% lượng khí thải mê-tan toàn cầu đến từ hoạt động của các vi sinh vật trong các nguồn tự nhiên như đất ngập nước; 60% lượng mê-tan còn lại kết thúc trong khí quyển do các hoạt động của con người như sản xuất nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp và đốt sinh khối.

Ví như, mê-tan có thể xâm nhập vào khí quyển thông qua rò rỉ từ các giếng dầu và khí đốt tự nhiên qua các đường ống dẫn khí...

Vào năm 2019, khí mê-tan trong khí quyển đạt mức kỷ lục, gấp khoảng 2,5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều khiến các nhà khoa học lo lắng là khí mê-tan có cơ chế thực sự khi đốt nóng hành tinh. Trong khoảng thời gian 100 năm, nó nóng lên gấp 28 - 34 lần khí CO2. Trong khoảng thời gian 20 năm, mạnh gấp 84 lần trên một đơn vị khối lượng so với khí CO2.

Quan trọng nhất, ngành công nghiệp khí đốt, dầu mỏ và than đá phải tăng cường nỗ lực để cắt giảm mạnh lượng khí thải liên quan đến năng lượng, cho thấy kết quả hữu hình trong vòng vài năm tới.

Phát biểu tại sự kiện công bố cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sáng kiến là lựa chọn đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất về chi phí và lợi ích cho tình trạng khẩn cấp khí hậu hiện nay.

QUỐC HƯNG