Ước vọng mới từ Chu Lai
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh hy vọng sẽ xây dựng thành công mô hình sản xuất, kinh doanh mới về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương thể hiện quyết tâm và trách nhiệm phát triển ngành nghề này.
Năng lực của “sếu đầu đàn”
Thaco tìm thấy cơ hội ngay trong đại dịch. Nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu vẫn tăng về số lượng lẫn giá trị. Nhiều trang thiết bị, dụng cụ cơ khí cần thiết cho phòng chống dịch do Thaco thiết kế, sản xuất xuất hiện trên thị trường.
Cảng Chu Lai tấp nập xuất đi những lô hàng ô tô (du lịch, bus, tải...), sơmi rơmóoc, linh kiện phụ tùng, cơ khí (cản xe, dây điện, nhíp, sàn xe chuyên dụng, xe đẩy hành lý sân bay, áo ghế, két giàn nóng máy lạnh, linh kiện xe bus, linh kiện cơ khí nông nghiệp...) sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Campuchia, Nga, Úc, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kenya...
Các đơn hàng lớn đang được hoàn tất để xuất khẩu sang nhiều thị trường mới như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Israel, Canada... Dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí đạt hơn 65,3 triệu USD.
Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp 2,5 lần (hơn 164 triệu USD). Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương nói, đại dịch đã bộc lộ nhu cầu cơ khí. Thaco đã cung cấp nhiều hơn linh kiện cần dùng. Sau dịch có nhiều đơn hàng hơn. Giá trị gia công cơ khí tăng gấp đôi. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ước đến 200 triệu USD. Sẽ tiếp tục đầu tư, ước tính 2.000 tỷ đồng và sẽ làm kịp ngay trong năm 2022.
Thí điểm một trung tâm hỗ trợ cơ khí ô tô tại miền Trung có nhận được “hỗ trợ” nào từ nhà nước hay không chưa được công bố. Nhưng sau 18 năm “nhập cư” Quảng Nam, từ một doanh nghiệp bình thường, Thaco đã trở thành “người khổng lồ”, bao trùm trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô, nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng, thương mại, dịch vụ và logistics.
Các dòng xe do Thaco sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam (bus 60%, xe tải 35 - 45%, xe du lịch bình quân 25%). Một số mẫu xe du lịch đạt tỷ lệ nội địa hóa hàm lượng khu vực RVC trên 40% để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ô tô nội khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA.
Ông Trần Bá Dương cho hay, tập đoàn chiếm đến 38% thị phần ô tô Việt Nam. Cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu. Thông qua ô tô đã phát triển một trung tâm cơ khí đa dụng tại Quảng Nam. Thaco vận hành nó như một trung tâm cơ khí chyên nghiệp - một cơ sở về cơ khí lớn nhất, đầy đủ nhất về máy móc, thiết bị, công nghệ, có sản lượng và đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề nhất Việt Nam. “Nhờ Chu Lai, Thaco có được những ý tưởng, nguồn lực để phát triển từ thấp đến cao, nhỏ đến lớn, trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành” - ông Dương nói.
Thiết lập mô hình sản xuất mới
Không doanh nghiệp sản xuất nào có thể tự tạo tất cả quy trình sản xuất một sản phẩm. Chiến lược phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành sản xuất, kinh doanh chính của Thaco đã vượt qua khỏi khuôn khổ phát triển nội bộ. Thaco quyết định chuyển hướng mạnh ra bên ngoài thông qua các cuộc kết nối, hợp tác, với các doanh nghiệp khác để thiết lập một mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng công ty cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho hay, sẵn sàng liên doanh, liên kết sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp có thể sản xuất, gia công sản phẩm cho Thaco. Doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) về sản phẩm, Thaco sẽ sản xuất, gia công toàn bộ hoặc một phần sản phẩm theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn chất lượng. Doanh nghiệp có thị trường kinh doanh, Thaco sẽ đảm nhận R&D, sản xuất, gia công & cung ứng các sản phẩm theo đúng yêu cầu hoặc hợp tác doanh nghiệp cùng sản xuất.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và Thaco đã cùng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình sản xuất mới về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong hệ sinh thái đầu tư của Thaco.
Ông Trần Bá Dương nói, không định hướng hay phong trào mà là trách nhiệm về sự phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ miền Trung, Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ cùng Thaco làm ra một mô hình sản xuất mới. Kết nối hay hợp tác này không chỉ mang lại cơ hội cho Thaco hay Quảng Nam mà là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp.
Ông Dương khẳng định tính khả thi, một mô hình sản xuất, kinh doanh mới, trước mắt là tại Quảng Nam, miền Trung và đó là lý do Thaco chọn ngành này trở thành ngành nghề chính.
“Nếu làm tốt, 3 năm sau hay từng năm sẽ thấy sự lớn lên của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Sẽ có một kế hoạch kỹ lưỡng, cụ thể, chi tiết để thực hiện. Ngày hôm nay làm như thế nào, 20 năm sau cơ khí và công nghiệp hỗ trợ phát triển ra sao trong đó có trách nhiệm của tôi” - ông Dương nói.
Công nghiệp hỗ trợ đã được Chính phủ đặt ra trong nhiều năm qua, nhưng thiếu một hệ thống chính sách đồng bộ để dẫn dắt thị trường dẫn đến sự thất bại của nhiều ngành công nghiệp trong việc thu hút đầu tư và phát triển thị trường công nghiệp hỗ trợ. Các Khu công nghiệp hỗ trợ (Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) tiến triển chậm chạp. Vướng điều gì, tại sao không thể phát triển được? Chính là thiếu chính sách, thiếu một doanh nghiệp đầu đàn thực thi các ý tưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh hy vọng Quảng Nam tiên phong xây dựng mô hình mới kết nối doanh nghiệp tham gia cùng sản xuất thành công khi Thaco - một tập đoàn lớn đã lãnh ấn tiên phong “nói được, làm được và thực tế đã chứng minh bằng chiến lược, tầm nhìn và định hướng”.
Quảng Nam muốn lấy ngày 20.10.2021 như một ngày lịch sử thành lập một hệ sinh thái phát triển ngành cơ khí hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ dẫn dắt được thực hiện bước đầu tại Chu Lai, Quảng Nam.
Có thể hiểu việc hình thành nên mô hình sản xuất, kinh doanh mới, một trung tâm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ nhanh hay chậm đều phải dựa vào lực đẩy của thị trường chứ không phải mong muốn hay ý chí chủ quan của nhà nước.
Ông Kiều Huỳnh Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội cơ khí - điện TP.Hồ Chí Minh tin rằng quyết tâm của Quảng Nam và sự dẫn dắt của “sếu đầu đàn” Thaco với một khu công nghiệp có đến 13 nhà máy linh kiện phụ tùng, 1 tổ hợp cơ khí 4 nhà máy trở thành trung tâm cơ khí đa dụng, có đủ sự đầu tư từ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, công nghệ, nhân lực, đầu ra và sản lượng, ngành cơ khí, công nghiệp phụ trở sẽ phát triển vượt bậc. Một trung tâm chuyên nghiệp tại Chu Lai sẽ chỉ còn vấn đề thời gian.