Năm 2022, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021
(QNO) - Sáng nay 4.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự hội nghị.
Theo kế hoạch, năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Trong đó, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến 1.7.2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Các kế hoạch đề cương chi tiết giám sát chuyên đề nêu trên được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, quyết định ban hành.
Trong cả 4 cuộc giám sát này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kế hoạch huy động các cơ quan Quốc hội, đồng thời giao nhiệm vụ cho 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 63 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia vào các tổ giám sát.
“Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn, nghe bằng nhiều tai, nhiều kênh, có những nhận xét đúng với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực; đưa ra được những kiến nghị, đề xuất sắc sảo. Và chúng ta cũng theo dõi việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát này” - ông Vương Đình Huệ phát biểu.
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu phải xác định được tránh nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành, đơn vị, cá nhân liên quan gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
“Làm được như thế, chúng ta mới theo đuổi đến cùng các sự việc. Sau những kết luận giám sát, chúng ta hy vọng tạo ra những chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực được thực hiện giám sát, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước, yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn” - ông Vương Đình Huệ chia sẻ.
Người đứng đầu Quốc hội cho biết, thời gian tới, Quốc hội cũng tăng cường công tác giám sát, giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội và chất vấn, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mục đích của hội nghị trực tuyến lần này nhằm tạo sự thống nhất, chủ động giữa các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và hoạt động hậu giám sát, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ ưu điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật của Nhà nước.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nếu trong quá trình giám sát, có phát hiện những dấu hiệu sai phạm trên các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng, chứ không chỉ kiến nghị, đề xuất, góp phần nâng cao năng lực giám sát, cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.
Do đó, phương pháp giám sát phải hết sức khoa học, tổ chức giám sát phải chặt chẽ, cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh, có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn, vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.