Hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn chặt phá rừng
(QNO) - Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26) tại thành phố Glasgow (Scotland) vừa chứng kiến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm phục hồi và bảo vệ các khu rừng trên trái đất.
Ngày 2.11, theo thông báo của Chính phủ Anh, hơn 100 nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia nơi chiếm 85% diện tích rừng toàn cầu, cam kết chấm dứt nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030.
Cam kết cũng bao gồm 14 tỷ bảng Anh (19,2 tỷ USD) cho quỹ đầu tư công và tư trong giai đoạn 2021-2025 để phục hồi và bảo vệ rừng. Một số nguồn tài trợ sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển nhằm khôi phục đất bị suy thoái, khắc phục hậu quả cháy rừng và hỗ trợ các cộng đồng bản địa.
Thỏa thuận bao gồm lời hứa đảm bảo quyền của người bản địa và công nhận “vai trò của người bảo vệ rừng” của họ.
Những năm qua, chặt phá rừng không những làm suy thoái hệ thống sinh thái rừng mà còn góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu khi làm cạn kiệt các khu rừng vốn có vai trò hấp thụ một lượng lớn khí thải CO2.
Thế giới cũng ghi nhận một kỷ lục buồn khi cứ mỗi phút, một khu rừng có kích thước bằng 27 sân bóng đá bị mất đi. Các nhà khoa học lo ngại rằng, cứ đà này, khí hậu toàn cầu tiếp tục thay đổi đột ngột và rất khó lường được hệ lụy của nó.
Các quốc gia tham gia vào thỏa thuận trên gồm Canada, Nga, Brazil, Colombia, những nước có diện tích rừng lớn. Trong đó, Brazil đối mặt với nhiều chỉ trích do tình trạng phá rừng Amazon - “lá phổi trái đất” gia tăng trong những năm gần đây, nhất là thảm họa cháy rừng vào năm 2019.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Rừng hỗ trợ cộng đồng, sinh kế và cung cấp lương thực, đồng thời hấp thụ khí CO2 mà con người xả thải vào bầu khí quyển. Với cam kết chưa từng có này, chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành người bảo vệ nó”.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận mang tính đột phá trên có thể sẽ tạo động lực cho COP-26, sau khi Hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới và thị trường mới nổi (G-20) tại Rome (Italia) vào cuối tuần qua không đạt được thỏa thuận về các cam kết khí hậu mới, đặc biệt là về thời điểm chấm dứt sử dụng than.
Cạnh đó, chính phủ của 28 quốc gia cũng cam kết loại bỏ nạn phá rừng khỏi hoạt động thương mại toàn đối với cầu thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác như dầu cọ, đậu nành và ca cao. Những ngành công nghiệp này làm mất rừng bằng cách chặt phá cây cối để tạo không gian cho động vật ăn cỏ hoặc cây trồng phát triển.
Hơn 30 công ty lớn nhất thế giới cũng cam kết chấm dứt đầu tư vào các hoạt động liên quan đến nạn chặt phá rừng.
Thỏa thuận trên là một bước tiến thực sự quan trọng tại COP-26 - cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới về việc giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp.