Dành nguồn lực an cư cho miền núi

ALĂNG NGƯỚC 01/11/2021 06:20

Thời gian qua, mặc dù những khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư miền núi đang dần được “hóa giải” bằng các chính sách động lực của Trung ương, của tỉnh, nhưng câu chuyện an cư vẫn đứng trước nhiều thách thức và trở ngại. Để giảm thiểu nguy cơ hiểm họa, cùng với sự chủ động từ phía cộng đồng, người vùng cao cần thêm nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tạo cơ hội ổn định cuộc sống lâu dài.

Để đảm bảo cuộc sống ổn định tại các khu tái định cư, cộng đồng miền núi mong muốn có thêm nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Để đảm bảo cuộc sống ổn định tại các khu tái định cư, cộng đồng miền núi mong muốn có thêm nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Phòng Tránh thiên tai

Được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng tránh hiểm họa do thiên tai bão lũ, công tác sắp xếp, bố trí dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thời gian qua được triển khai khá đồng bộ ở miền núi.

Bằng các nguồn lực hỗ trợ đặc thù, nhiều ngôi làng tái định cư dần được hình thành trên mặt bằng rộng thoáng, giúp người dân tránh được ẩn họa thiên tai, ổn định cuộc sống, nhất là ở các vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở cao như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My....

Ông Tơ Ngôl Với - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, giai đoạn 2017 - 2021, thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, địa phương đã triển khai sắp xếp, di dời chỗ ở và di dời chỉnh trang tại chỗ cho 847 hộ dân. Trong đó, sắp xếp, di dời chỗ ở 822 hộ và di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho các hộ mới đến hơn 25 trường hợp, với tổng nguồn kinh phí được giao gần 44 tỷ đồng.

“Đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ, giải ngân hơn 43 tỷ đồng. Hiện các địa phương tiếp tục thực hiện công tác nghiệm thu, lập thủ tục giải ngân vốn theo quy định, đảm bảo giúp người dân ổn định chỗ ở, sống an toàn trước thiên tai bão lũ” - ông Tơ Ngôl Với chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Avô Tô Phương cho rằng, chủ trương sắp xếp dân cư miền núi không chỉ giúp “chuẩn hóa” hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS, mà còn mở ra cơ hội trong việc phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa và hạn chế rủi ro, tạo niềm tin để người dân an tâm hơn khi sinh sống ở “vùng đất mới”.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác sắp xếp, ổn định dân cư, bên cạnh thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án nhằm đảm bảo người dân có nơi ở ổn định trước mùa mưa bão, Đông Giang xây dựng kế hoạch sắp xếp dân cư cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện hàng năm theo chủ trương của tỉnh.

“Năm 2021, tổng nguồn vốn thực hiện công tác sắp xếp dân cư của địa phương gần 5,4 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, chúng tôi đã hỗ trợ 72 hộ thực hiện, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng” - ông Phương nói.

Bám sát chủ trương

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, nhiều địa phương miền núi cho biết đang gặp phải những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư.

Cụ thể, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá cả vật liệu xây dựng nhà ở tăng cao, trong khi mức hỗ trợ không đáp ứng theo giá thị trường; nguồn lực và quỹ đất thực hiện xen ghép khó khăn; nhiều nội dung hỗ trợ di chuyển nhà, đất sản xuất, đường dân sinh, điện sinh hoạt chưa rõ ràng, chưa sát thực tế…

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của tỉnh hơn 3.566 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, dự kiến sẽ triển khai 10 dự án, chương trình liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Theo ông Mai, thực hiện Quyết định số 2405 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh liên quan đến cơ chế hỗ trợ sắp xếp dân cư miền núi vừa được ban hành, toàn tỉnh có khoảng 7.821 hộ sẽ được sắp xếp, đảm bảo việc an cư gắn với ổn định phát triển sản xuất. So với Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh trước đây, Nghị quyết 23 này có nhiều nội dung được điều chỉnh, mức hỗ trợ cao hơn giúp việc sắp xếp dân cư được hoàn thiện hơn.

“Các chính sách đã có hiệu lực, chính quyền các địa phương miền núi cần bám sát chủ trương của tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể, nhất là rà soát nhu cầu dân cư cần sắp xếp khỏi vùng có nguy cơ thiên tai, đảm bảo an toàn trước mưa lũ” - ông Mai nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư, các địa phương cần linh hoạt và thay đổi quan điểm, tư duy trong thực tiễn. Phải sắp xếp, đưa người dân từ trên núi cao về mặt bằng mới ổn định hơn, đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất, điều kiện phát triển tại chỗ.

Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt chủ trương và ngân sách, vì thế các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, bám sát các chỉ đạo của tỉnh để xây dựng quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với thực tiễn đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào miền núi. Tránh triển khai một cách rập khuôn, thiếu tính an toàn trong phòng tránh thiên tai, cũng như không phù hợp theo nguyện vọng của người dân như một số dự án tái định cư trước đây.

ALĂNG NGƯỚC