G-20 đóng cửa các "thiên đường thuế"
(QNO) - Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) vừa thông qua thỏa thuận lịch sử về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia như Facebook, Google, Amazon, Apple.
Ngày 30.10, hội nghị thượng đỉnh G-20 khai mạc tại thủ đô Rome của Italia để bàn nhiều vấn đề quan tâm như phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế thế giới, chống biến đổi khí hậu cũng như thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Ngay trong đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn lớn ở bất cứ nơi nào họ hoạt động.
Thỏa thuận được cho là biện pháp hữu hiệu để xóa những thiên đường thuế, ngăn chặn các công ty đa quốc gia thu lợi nhuận ở những quốc gia mà họ trả ít hoặc không đóng thuế hay trốn thuế.
Các lãnh đạo G-20 cam kết sẽ triển khai thỏa thuận vào năm 2023. Một khi được áp dụng, khoảng 140 nước sẽ có cùng một mức thuế doanh nghiệp nhắm vào hàng nghìn tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L.Yellen cho biết, thỏa thuận về thuế mà G-20 đạt được rất quan trọng đối với cả Mỹ và phần còn lại của thế giới, sẽ chấm dứt cuộc đua gây thiệt hại xuống đáy về thuế doanh nghiệp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter: “Đây không chỉ là một thỏa thuận thuế - đó là ngoại giao định hình lại nền kinh tế toàn cầu của chúng ta và mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta”.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Australia và hiện là Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho hay: “Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ làm cho các thỏa thuận thuế quốc tế của chúng ta trở nên công bằng hơn và hoạt động tốt hơn trong một nền kinh tế số hóa và toàn cầu hóa”.
Theo OECD, mức thuế tối thiểu 15% có thể đóng góp thêm 150 tỷ USD hàng năm vào nguồn thu thuế toàn cầu.
Vào đầu tháng 10.2021, gần 140 đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu ký một thỏa thuận do OECD làm trung gian nhằm đánh thuế các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn và ban hành mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn toàn cầu.
Cải cách thuế toàn cầu được khởi xướng vào năm 2017 khi những tập đoàn khổng lồ như Google, Amazon, Facebook và Apple dựa vào các quốc gia có mức thuế thấp để giảm bớt số tiền phải đóng thuế của họ.
Bên cạnh thuế doanh nghiệp toàn cầu, các nhà lãnh đạo G-20 ủng hộ đối với lời kêu gọi gia hạn nợ cho các nước nghèo, thảo luận về việc phân phối và tiếp cận vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới cho đến giữa năm 2022.
Thủ tướng Italia Mario Draghi nhấn mạnh: “Sự khác biệt về tiếp cận vắc xin Covid-19 là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu”.