“Tôi là trưởng thôn"

ĐẶNG TRƯƠNG 31/10/2021 06:20

Vừa viết kịch bản, dàn dựng vừa nhận lãnh những vai diễn cá tính kiểu như trưởng thôn trong kịch bản để thể hiện, Lê Công Danh từng bước khẳng định tố chất và năng lực của mình với sân khấu. Bốn mươi sáu năm đứng trên sân khấu ca hát và 19 năm dấn thân vào công việc viết kịch bản - dàn dựng, Lê Công Danh đã góp phần không nhỏ cho phong trào văn nghệ quần chúng đất Quảng.

Lê Công Danh trong vai trưởng thôn ở một vở diễn.
Lê Công Danh trong vai trưởng thôn ở một vở diễn.

Đam mê văn nghệ quần chúng

Lê Công Danh sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn nghệ ở làng Đa Hòa, xã Điện Hồng (Điện Bàn). Ba anh - ông Lê Công Chi từng là đội trưởng một đội văn công của Việt Minh, hoạt động ở vùng Thăng Bình - Hiệp Đức, gặp và nên duyên với mẹ anh cũng là một cây văn nghệ trong vùng. Năm 1977, lúc đó Công Danh tròn 6 tuổi đã được lên sân khấu ca hát.

Anh Danh kể: “Mỗi khi thôn, xã có chương trình văn nghệ là tôi được đưa lên sân khấu, phải bắc ghế đứng mới tới được micro để hát. Dần dần, giọng hát trong trẻo, khả năng biểu diễn dạn dĩ của tôi được nhiều người trong vùng biết đến”.

Ca hát từ nhỏ nên sau này phong trào văn nghệ quần chúng của Điện Bàn luôn có sự góp mặt của Lê Công Danh. Anh cũng gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng, đơn cử giải nhì cuộc thi Tiếng hát mùa xuân thành phố Đà Nẵng năm 1997.

Khi tỉnh Quảng Nam tái lập, hoạt động văn hóa, văn nghệ được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp các địa phương, Lê Công Danh đăng ký thi vào Đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn để rồi gắn bó lâu dài với văn nghệ quần chúng xứ Quảng đến bây giờ. Mấy chục năm với sân khấu văn nghệ quần chúng ở Điện Bàn, Duy Xuyên đã đem lại cho Lê Công Danh nhiều kinh nghiệm và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng.

Năm 2001, qua lời giới thiệu của một người anh, cũng là người thầy đầu tiên trong nghề - nhà viết kịch Lê Trung Thùy - Hội viên Chi hội sân khấu, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Lê Công Danh về đầu quân cho Đội Văn nghệ lưu động - Trung tâm Văn hóa Quảng Nam. Bắt đầu từ đây, sân khấu với Công Danh là những ngày đắm mình trong các vai diễn tiểu phẩm, kịch nói, hoạt cảnh dân ca bài chòi đất Quảng.

Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam đã nhìn đúng cái chất “nông dân” và “phong thái” dành cho các vai diễn kiểu như trưởng thôn, tổ trưởng tổ đoàn kết, người có uy tín trong cộng đồng thôn bản… ở Công Danh và liên tiếp giao cho anh nhiều vai diễn dạng này.

Khi bước lên sân khấu trong vai diễn trưởng thôn, tổ trưởng tổ đoàn kết, Công Danh đã hóa thân vào nhân vật một cách tài tình trong từng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, trang phục, đặc biệt là giọng hát dân ca ngọt lịm: “Đồng lúa khô hạn, có tôi/Việc đói việc nghèo, có tôi/Trăm dâu cũng đổ đầu tằm/Tính tôi thì hay lam hay làm/Nên chi tôi là thôn trưởng”…

Dấn thân

Vai diễn đầu tiên để lại ấn tượng và cũng đem lại cho anh thành công ban đầu (Giấy khen của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL) là vai ông Tá trong vở kịch “Quý hơn tất cả” tham gia Liên hoan Truyền thông lưu động toàn quốc tổ chức tại Kiên Giang năm 2001 và vai ông Hậu trong kịch thông tin phòng chống HIV/AISD toàn quốc năm 2003. Tiếp đó là huy chương vàng toàn quốc Liên hoan “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới”, tiết mục đơn ca hóa thân trưởng thôn trong ca khúc “Tôi là thôn trưởng” của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải.

Gần đây nhất là huy chương vàng toàn quốc vai diễn ông Trường - tổ trưởng tổ đoàn kết trong kịch ngắn dân ca “Làng quê xanh” - do anh viết kịch bản và đạo diễn, tại cuộc thi sân khấu không chuyên toàn quốc năm 2018 về đề tài môi trường. Thành công với vai diễn trưởng thôn, người già có uy tín ở các sân khấu liên hoan trong và ngoài tỉnh đã khiến Lê Công Danh “chết danh” trưởng thôn trong mắt mọi người. Anh bảo: “Đó quả thật là hạnh phúc của một diễn viên như tôi”.

Không dừng lại ở vai trò diễn viên, niềm đam mê sân khấu cùng những làn điệu dân ca quê xứ, đã thôi thúc Lê Công Danh dấn thân vào công việc viết kịch bản sân khấu và đạo diễn. Đây là công việc đầy khó khăn, đòi hỏi phải có kiến thức bao quát, khả năng xâu chuỗi, vốn liếng âm nhạc truyền thống lẫn ý tưởng cho từng vấn đề.

Anh chia sẻ: “Mấy chục năm lăn lộn với nghề đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, cộng với sự chịu khó tìm tòi trong sách vở, tư liệu, học hỏi lớp người đi trước và may mắn hơn là được kinh qua các lớp học về dân ca bài chòi do tỉnh tổ chức… dần dần những đứa con tinh thần đầu tiên mang tên Lê Công Danh đã ra đời”.

Đó là “Tôi không phải là con ông” - đề tài bạo lực gia đình, “Góc phố xôn xao” - đề tài an toàn giao thông, “Chuyện nhà ông Nông”, “Hợp đồng nuôi mẹ” - tác phẩm in trong tuyển tập kịch Quảng Nam, “Làm lại cuộc đời” - đề tài bạo lực gia đình đoạt giải nhì hội thi Hòa giải viên toàn quốc, hay “Quý hơn vàng” - đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “Hãy giữ an toàn cho bạn và cho ta” - tiểu phẩm đề tài phòng chống đại dịch Covid-19 viết năm 2021 và rất nhiều tiểu phẩm dân ca Lê Công Danh viết cho sân chơi “Quê mình xứ Quảng” được đánh giá rất cao…

Đặc biệt, năm 2018, Lê Công Danh đã gặt hái thành công kép khi vở kịch ngắn dân ca “Làng quê xanh” do anh viết kịch bản và thủ vai ông Trường - tổ trưởng tổ đoàn kết đều đoạt huy chương vàng tại Cuộc thi sân khấu không chuyên toàn quốc về đề tài môi trường.

Hàng chục vở diễn đa dạng đề tài của Lê Công Danh ra đời phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều vai diễn của anh để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem trên sân khấu các liên hoan và sân chơi nghệ thuật quần chúng. Thành công ấy, với anh, xuất phát từ đam mê.

ĐẶNG TRƯƠNG