Quảng Nam đăng ký thực hiện nhiều mô hình về môi trường trong xây dựng nông thôn mới
(QNO) - Quảng Nam đăng ký thực hiện nhiều mô hình cấp nước sạch nông thôn, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải và phụ phẩm nông nghiệp... trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Nội dung đăng ký của UBND tỉnh thuộc chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo đề nghị của Văn phòng Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam đầu tư các mô hình cấp nước sạch nông thôn ở các xã khó khăn tại huyện Nông Sơn, Phước Sơn, Tây Giang với tổng kinh phí 26 tỷ đồng.
Về chương trình chất thải rắn sinh hoạt, có mô hình chi hội phụ nữ phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn thực hiện tại 18 huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; đầu tư xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô liên xã của huyện Nam Trà My với kinh phí 510 triệu đồng; phân loại rác thải tại nguồn tại thôn Đại Bình, xã Quế Trung (Nông Sơn) dự kiến mức đầu tư 516 triệu đồng.
Chương trình chất thải và phụ phẩm nông nghiệp, có mô hình xử lý cỏ dại tại 50 vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh (5ha/vùng), kinh phí 22 triệu đồng/mô hình; đầu tư 12 xưởng thu gom và xử lý phụ phẩm nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung với mức 200 triệu đồng/xưởng.
Mô hình bao gói thuốc bảo vệ thực vật đầu tư xây dựng thí điểm 60 nhà rác thải bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật cộng đồng với kinh phí 50 triệu đồng/nhà.
Về cảnh quan môi trường nông thôn, có mô hình phát triển đường hoa, đường cây xanh bóng mát với quy mô ít nhất 200km đường cây xanh và 200km đường hoa, tổng mức đầu tư 9,2 tỷ đồng.
Trong chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Quảng Nam đăng ký xây dựng 12 mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm tại các địa phương trọng điểm với mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng/chuỗi.
Về vấn đề vệ sinh môi trường, tỉnh triển khai thí điểm quản lý và xử lý rác thải dựa trên nguyên lý thu hồi, tái sử dụng bằng công nghệ sinh học, ứng dụng cho xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam tại huyện Quế Sơn với kinh phí 8 tỷ đồng; mô hình chi hội phụ nữ thực hiện 3 sạch tại huyện Tiên Phước với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng; mô hình xóa nhà tiêu không hợp vệ sinh huyện Phước Sơn hơn 7,1 tỷ đồng và mô hình về vệ sinh môi trường ở xã khó khăn huyện Tây Giang với khoảng 10 tỷ đồng.