Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thanh toán 400 tỷ đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của Quảng Nam
(QNO) - Đó là kiến nghị của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khi phát biểu thảo luận trực tuyến chiều nay 27.10 về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
Đại biểu Lê Văn Dũng cho biết, trong năm 2018 và 2019, Quảng Nam chi vượt quỹ và vượt dự toán khám chữa bệnh BHYT khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa được Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam thông qua để thanh toán số tiền trên. Đề nghị BHXH Việt Nam sớm giải quyết nguồn kinh phí này theo đúng quy định hiện hành để tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế có điều kiện khám chữa bệnh BHYT trong thời gian đến.
Cũng theo đại biểu Lê Văn Dũng, chính sách BHYT quy định học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức phí; trong khi đó, nếu tham gia mua BHYT theo hộ gia đình, từ người thứ 3, 4, 5 trở đi, mức phí giảm tương ứng là 30%, 40%, 50%, dẫn đến việc so sánh giữa mức phí đóng của học sinh, sinh viên với mức đóng theo hộ gia đình.
Đưa ra phân tích trên, đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 146 ngày 17.10.2018 về hướng dẫn thi hành Luật BHYT theo hướng cho phép đối tượng học sinh, sinh viên được lựa chọn có thể tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình hoặc nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với mức phí BHYT lên 40 - 50% cho học sinh, sinh viên.
Kể từ tháng 8.2021, một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ nên người dân không còn được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước, hiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng chính sách BHYT từ 3 - 5 năm đối với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được xét ra khỏi vùng hoặc xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.