Bảo vệ đa dạng sinh thái biển

VIỆT NGUYỄN 27/10/2021 05:31

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và khai thác quá mức của con người..., bảo vệ đa dạng sinh thái biển là rất cấp thiết hiện nay, cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng cư dân ven biển.

Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm làm vườn ươm để bảo vệ san hô. Ảnh: HUỲNH NGỌC DIÊN
Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm làm vườn ươm để bảo vệ san hô. Ảnh: HUỲNH NGỌC DIÊN

Từ một cuộc thi

Cuộc thi trực tuyến “Quảng Nam - Vì một biển xanh đầy cá” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) phối hợp tổ chức vừa kết thúc (tác phẩm dự thi phải là video).

Sau 2 tháng phát động, cuộc thi thu hút 75 cá nhân, tập thể tham gia với các tác phẩm được đầu tư khá công phu, nhận được gần 15 nghìn lượt tương tác trên facebook.

Nhóm Thanh niên bảo tồn biển Cù Lao Chàm xuất sắc đoạt giải nhất với tác phẩm “Rạn san hô - Ngôi nhà chung của sinh vật biển”. Trong hơn 6 phút, tác phẩm đã làm rõ sự nguy hại của thiên tai, biến đổi khí hậu, hành vi của con người đối với phát triển rạn san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm.

Theo đó, để gìn giữ san hô - ngôi nhà chung của các loài sinh vật biển, thanh niên Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có những sáng kiến, hoạt động cụ thể góp sức phục hồi rạn san hô và qua tác phẩm đã nhấn mạnh yếu tố truyền thông nâng cao ý thức gìn giữ san hô trong cộng đồng.

Chị Trần Thị Phương Thảo - Trưởng nhóm Thanh niên bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, những thành quả đạt được trong bảo tồn rạn san hô đã góp phần tạo sức hút đặc biệt của vùng biển Cù Lao Chàm, nâng cao đời sống kinh tế của người dân, tạo động lực để chung tay gìn giữ, phát huy giá trị của đa dạng sinh thái biển.

Ngoài giải nhất, có 11 giải thưởng khác đã được trao, trong đó có 2 tác phẩm đến từ TP.Hà Nội và TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, cuộc thi thật ý nghĩa trong bối cảnh ngành thủy sản đang nỗ lực thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Cuộc thi lan tỏa các sáng kiến từ cộng đồng trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi theo Luật Thủy sản 2017.

Bà Thân Thị Hiền - Phó Giám đốc MCD cho biết, cuộc thi đã tìm kiếm, phát hiện các sáng kiến, sản phẩm truyền thông trong bảo tồn đa dạng sinh thái biển. Qua đó góp phần thúc đẩy sự quan tâm, chia sẻ, kết nối, hợp tác của các ngành, các cấp, địa phương, cộng đồng để có hành động thiết thực gìn giữ đa dạng sinh thái biển.

Góp sức bảo vệ

Thời gian qua, ngành thủy sản Quảng Nam có nhiều hoạt động thiết thực góp sức bảo vệ đa dạng sinh thái biển. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách giúp ngư dân giảm áp lực khai thác hải sản vùng ven bờ, sắp xếp lại tàu thuyền, chuyển đổi những nghề xâm hại đến nguồn lợi.

Ngành chức năng điều tra, đánh giá nguồn lợi, môi trường sống các loài thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng nội địa, thả giống tôm, cá bổ sung cũng như xây dựng mô hình rạn - chà nhân tạo để tái tạo, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản.

“Chúng tôi đã xây dựng các mô hình đồng quản lý trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ cộng đồng ở các địa phương ven biển. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, công tác trên tập trung ở khu vực vùng biển Cù  Lao Chàm - Hội An, vùng biển ven bờ của xã Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành), vùng nước nội địa hạ lưu sông Thu Bồn, Cửa Đại - Hội An, vùng ngập mặn huyện Núi Thành. Ngành đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh xây dựng Trung tâm Bảo tồn biển và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển” - bà Tâm cho hay.

MCD đang phối hợp Tổng cục Thủy sản triển khai dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản với các sáng kiến ở Trung ương và địa phương” từ sự tài trợ của Ocean thông qua Tổ chức các nhà tư vấn từ thiện Quỹ Rockerfellor (RPA), triển khai ở 3 tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm đề xuất Tổng cục Thủy sản quan tâm hỗ trợ, xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh thái biển. MCD hỗ trợ, xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp ở các vùng dự án, giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học, sinh thái biển.

“Chung tay cho hoạt động này, mong Tỉnh đoàn huy động thanh niên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các địa phương dọn sạch bãi biển, bảo vệ môi trường, nguồn lợi, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái biển. Tuyên truyền để ngư dân không sử dụng phương tiện khai thác hải sản hủy diệt, hạn chế sản xuất ở vùng biển ven bờ, chung tay gìn giữ biển xanh, sạch, nhiều nguồn lợi, đa dạng sinh thái” - bà Tâm nói.

VIỆT NGUYỄN