Đốn hạ sưa trong rừng phòng hộ Ma Phan (clip)

ĐÔNG YÊN - HẢI CHÂU 26/10/2021 15:10

(QNO) - Nhiều cây sưa quý có tuổi đời hàng trăm năm ở khu vực rừng phòng hộ Ma Phan (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) bị đốn hạ khiến người dân địa phương bức xúc.

Theo người dân địa phương, rừng sưa thuộc sở hữu chung vì do ông bà họ trồng và để lại. Ảnh: C.Đ
Theo người dân địa phương, rừng sưa thuộc sở hữu chung vì do ông bà họ trồng và để lại. Ảnh: C.Đ

Dân tố khai thác sưa trái phép

Theo người dân thôn Tây Lộc (xã Tam Lộc) thì từ ngày 5.10 cho đến nay, nhiều người dùng xe cơ giới và máy cưa xẻ gỗ rầm rộ tại khu vực đầu nguồn hồ Ma Phan. Ông N.H. (thôn Tây Lộc) nói, rừng phòng hộ Ma Phan có rất nhiều loại qỗ quý, nhiều nhất là gỗ mùn và sưa. Hiện còn khoảng hơn 50 cây sưa, tuổi đời gần 200 năm, thân cây sưa to, đường kính vài ba người ôm không hết.

Dân làng trước đây đều ở hết trên khu rừng này và họ đã trồng những cây sưa để bảo vệ đất khỏi sạt lở. Sau ngày hòa bình, thì mới chuyển dần xuống sống ở khu vực quanh hồ Ma Phan như hôm nay. Theo quan niệm của người bản địa, các cây sưa này có giá trị tinh thần rất lớn vì là "báu vật" của tiền nhân để lại, nơi che chở cho cách mạng năm xưa.

Hàng chục năm qua, chính quyền và cơ quan kiểm lâm bảo vệ rất nghiêm ngặt khu rừng sưa nơi đây. “Ai cắt một cành sưa về để đóng bàn ghế học cho con thì lập tức kiểm lâm đến lập biên bản xử lý ngay. Nhưng nay không hiểu lý do gì mà cho khai thác ào ào” - ông H. bức xúc.

Clip rừng sưa Ma Phan bị khai thác:

Tại khu vực Hố Lu (tiểu khu 577) có 8 cây sưa cổ thụ bị chặt hạ. Khi hoạt động này diễn ra, một số người dân Tây Lộc phát hiện đến cản trở, nên đối tượng đã lén lút khai thác. Người dân cho rằng,  mất sưa sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Minh chứng rõ nhất là lượng nước hồ thủy lợi Ma Phan ngày một ít đi, khiến diện tích sản xuất bị bỏ hoang do không chủ động được nguồn tưới tiêu.

Bên cạnh đó, việc đưa nhiều loại xe cơ giới vào rừng làm hư hỏng con đường dân sinh. Ông P.V.T (thôn Tây Lộc) nói: “Chúng tôi mà không cản thì đến giờ này đã có hàng chục cây sưa bị đốn hạ và chuyển đi rồi, cố giữ được chừng nào thì hay chừng đó, chứ để bán đi hết thì mất đi giá trị vốn có của khu rừng”.

Cần tăng cường quản lý rừng sưa phòng hộ

Rừng phòng hộ Ma Phan có diện tích 327ha, trong đó, 210ha rừng tự nhiên do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam quản lý, diện tích còn lại là đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), đất trống và đất người dân tự khai hoang canh tác lâu đời. Năm 2004, UBND thị xã Tam Kỳ (cũ) cấp giất CNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Quang (thôn Tây Lộc) với diện tích 4,5ha, mục đích sử dụng xây dựng trang trại chăn nuôi.

Những cây sưa bị đốn hạ. Ảnh: Đ.C
Những cây sưa bị đốn hạ. Ảnh: Đ.C

Về việc khai thác sưa, ngày 19.9.2021, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã lập biên bản kiểm tra khai thác lâm sản, xác định nguồn gốc khai thác gỗ sưa trồng trên diện tích đất của ông Quang là hợp pháp. Nội dung biên bản ghi rõ: “Tổ công tác đã kiểm tra thực tế tại hiện trường, trên diện tích rừng của ông Nguyễn Văn Quang có 15 cây sưa vườn trồng nay khai thác để bán sử dụng. Kiểm tra lâm sản, cây đã đào gốc và cắt thành từng lóng”. Trong khi đó, người dân thông tin, ngày 19.9.2021, số sưa này vẫn còn sống, chưa có cây nào bị đào gốc, hoặc cắt khúc. Hoạt động khai thác chỉ diễn ra trong thời gian đầu tháng 10 cho đến nay.

Theo UBND xã Tam Lộc, do giấy CNQSĐ của hộ ông Quang được cấp năm 2004 thời điểm đó không xác định tọa độ chính xác. Một số cây sưa đã khai thác vẫn chưa xác định rõ là có nằm trên đất của ông Quang hay không. Với sự nhập nhằng này, cùng thực tế các cây sưa này được trồng rất lâu nên không xác định rõ chủ sở hữu dẫn tới tranh chấp giữa một số hộ dân.

Chính quyền Tam Lộc muốn giữ rừng sưa cổ thụ để phục vụ cộng đồng. Ảnh: C.Đ
Chính quyền Tam Lộc muốn giữ rừng sưa cổ thụ để phục vụ cộng đồng. Ảnh: C.Đ

Ông Phan Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy xã Tam Lộc cho hay, chính quyền địa phương đã tốn rất nhiều công sức để bảo vệ rừng phòng hộ Ma Phan. Xã không nhận được bất cứ thông tin gì về việc khai thác số gỗ sưa này. Khi tiến hành làm việc, ông Quang không xuất trình được phương án, giấy phép khai thác gỗ, cho đến biên bản cụ thể các buổi làm việc với một số người được cho chủ sở hữu sưa.

Khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chính quyền đã cấm các phương tiện cơ giới vào rừng phòng hộ Ma Phan. Nhiều lần làm việc với Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam về vấn đề này, các đơn vị này vẫn khẳng định việc khai thác gỗ này là có căn cứ, đúng với quy định của pháp luật.

"Quan điểm của địa phương, quyết tâm bảo vệ những cây sưa cổ thụ còn sót lại, giữ rừng đầu nguồn, phát triển du lịch kết nối giữa khu di tích Nhà lưu niệm Cụ Phan Châu Trinh với sinh thái tại rừng phòng hộ Ma Phan, góp phần phát triển kinh tế cho người dân nơi đây” - ông Bình nhấn mạnh.

ĐÔNG YÊN - HẢI CHÂU