Ứng phó với mưa lớn do áp thấp nhiệt đới: Chủ động, không chủ quan

THÀNH CÔNG 26/10/2021 06:05

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đối với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp trong việc triển khai phương án ứng phó với đợt mưa lớn được dự báo sẽ diễn ra trong vài ngày tới do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. 

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: T.C
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: T.C

Cần cảnh giác cao

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Xuân Tý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, các hồ chứa đang vận hành hạ mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất để tạo dung tích cắt lũ cho hạ du.

“Trong ngày 23.10, do mưa lớn nên xảy ra ngập diện rộng tại TP.Tam Kỳ, đến 16 giờ cùng ngày, do mực nước lòng hồ Phú Ninh lên nhanh, đơn vị vận hành đã hạ mức nước để đảm bảo an toàn công trình. Hiện mực nước đang xuống dần, ban chỉ huy sẽ theo dõi vận hành phù hợp để giảm ngập cho Tam Kỳ. Ngoài ra, các hồ Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 đã vận hành giảm lũ cho hạ du” - ông Trương Xuân Tý nói.

Theo ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, sự bất thường của thời tiết sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng tránh.

“Tới đây, với đợt mưa từ ngày 26 đến ngày 28, khả năng chịu đựng của các vùng nguy cơ cao về sạt lở đất như Trà My, Phước Sơn, vùng tây Núi Thành, Phú Ninh sẽ bị đe dọa. Cần phải hết sức đề cao cảnh giác, dự báo sạt lở sẽ phức tạp. Chúng tôi sẽ cố gắng theo dõi, báo cáo kịp thời để có sự chủ động, hiệu quả hơn trong công tác phòng tránh” - ông Tuyến nói.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, qua kiểm tra cho thấy ở một số nơi không chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó ngập, sạt lở, tổ chức các lực lượng chốt chặn không chặt chẽ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị các lực lượng tại chỗ phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật chất cấp thiết, sẵn sàng lực lượng điều động ngay khi có tình huống đặc biệt. Vị trí sạt lở phải có lực lượng bảo vệ cảnh giới khi thông đường, thông tuyến, đồng thời cử lực lượng chốt chặn, có sẵn phương tiện cứu hộ tại các điểm ngập và chỉ cho người dân qua khi đảm bảo được các điều kiện an toàn.

Nhanh chóng triển khai nhà chống lũ

Kết luận tại buổi họp trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương, các ngành phải tăng cấp độ chủ động, tuyệt đối không được chủ quan. “Đợt áp thấp này dự báo sẽ gây mưa lớn, trong khi nhiều nơi đã “no nước”, do đó mục tiêu hàng đầu là phải hạn chế thấp nhất xảy ra thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền để cộng đồng chủ động, chung tay phòng chống thiên tai.

Đợt mưa lũ vừa qua gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.C
Đợt mưa lũ vừa qua gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.C

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN làm chức năng tổng hợp, các ngành chủ lực như khí tượng thủy văn, giao thông, thủy lợi, công an, quân sự, biên phòng, các hồ thủy điện, thủy lợi nhanh chóng cung cấp thông tin, từ đó đưa thông tin đến với người dân sớm nhất” - ông Bửu nói.

Bên cạnh việc đảm bảo y tế, vệ sinh môi trường, nước sạch trong và sau mưa lũ, ông Bửu cũng yêu cầu đơn vị quản lý các hồ chứa rà soát lại, hạ mực nước hồ về đúng quy trình. Các huyện, thị xã, thành phố, nhất là địa bàn miền núi khẩn trương rà soát việc chuẩn bị lương thực và các điều kiện ứng phó thiên tai.

Nhấn mạnh về vai trò của việc sắp xếp dân cư và làm chòi chống ngập lụt, chống bão lũ theo Nghị quyết HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng tiến độ hiện nay còn chưa đạt, đề nghị các địa phương kịp thời triển khai, trao đổi với tỉnh nếu có vướng mắc.

“Các địa phương phải nêu cao vai trò trách nhiệm. Nhiều nhà dân chỉ cần một nhà tắm kiên cố quy mô khoảng 7 - 9m2 là có thể đáp ứng tốt việc tránh trú khi có bão, hoặc khi ngập lụt. Do đó phải tích cực vào cuộc giúp dân. Phải quyết liệt làm, huy động nhiều nguồn, địa phương chủ động hỗ trợ cho dân hoặc kêu gọi xã hội hóa để giúp dân, mùa mưa bão đang đến rồi, không thể chờ đợi” - ông Bửu nhấn mạnh.

Ông Bửu cũng yêu cầu các ngành của tỉnh quan tâm đến giao thông đường sắt, cao tốc, kịp thời cung cấp thông tin trong tình huống xảy ra sạt lở gây cô lập, đứt đoạn để địa phương nắm và chỉ đạo.

Đồng thời, TP.Tam Kỳ phải nhanh chóng chủ trì xây dựng phương án chống ngập, Sở NN&PTNT sớm xây dựng phần mềm số hóa dữ liệu mực nước các hồ chứa, cung cấp phục vụ công tác quản lý điều hành đến cấp xã.

THÀNH CÔNG