Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật thống kê và luật tố tụng hình sự sửa đổi
Chiều 25.10, tại Kỳ họp thứ hai (Quốc hội khóa XV), dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Tham gia thảo luận về nội dung này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước đề nghị cần đánh giá cụ thể, toàn diện hơn đối với việc ban hành, triển khai thực hiện Luật Thống kê; vì thực tế công tác thống kê thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập.
Số liệu thống kê chưa bao quát hết các ngành, lĩnh vực mới; dịch vụ thống kê, cung cấp - sử dụng thông tin thống kê chưa thực sự phát triển; trách nhiệm của tổ chức cung cấp - tính toán - công bố - thẩm định - kiểm tra, giám sát số liệu thống kê chưa được quy định chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến chất lượng thống kê.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, trong chỉ tiêu dân số, phụ lục chỉ tiêu thống kê có đưa ra (chỉ tiêu thứ 11) - “số cuộc kết hôn và tuổi kết hôn trung bình lần đầu” là rất quan trọng. Đồng thời đề nghị, cùng với chỉ tiêu thống kê “số cuộc kết hôn và tuổi kết hôn trung bình lần đầu” cần bổ sung chỉ tiêu “số cuộc ly hôn và độ tuổi ly hôn trung bình lần đầu”. Vì thực trạng rất đáng báo động, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, nằm ở độ tuổi ngày càng trẻ, thể hiện sự thiếu bền vững trong xây dựng gia đình. Nắm rõ số liệu thống kê chỉ tiêu này nhằm có định hướng, giải pháp, góp phần nâng chất lượng cuộc sống người dân.
Liên quan đến chỉ tiêu đất đai và dân số, phụ lục đã đưa ra 14 nhóm chỉ tiêu thống kê, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị tách chỉ tiêu này ra thêm một chỉ tiêu thống kê quốc gia và cần phải đưa vào bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia là đất ở và đất sản xuất.
“Đất ở và đất sản xuất là nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu chỉ thống kê diện tích đất bình thường thì chỉ nắm được sự di biến động đất; vậy nên cần có thêm chỉ tiêu phản ánh rõ tỷ lệ dân số có yêu cầu về đất ở và đất sản xuất và chúng ta đã đáp ứng được bao nhiêu để tiếp tục thực hiện” – ông Phước phát biểu.
Sáng cùng ngày, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị bổ sung điểm d vào khoản 1, Điều 281.
Cụ thể, quy định tòa án sẽ tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp không thể tiến hành hoạt động tố tụng để xét xử vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử. Và Viện trưởng Viện KSND tối cao chủ trì, phối hợp với Chánh án TAND tối cao quy định chi tiết điều này.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, tố tụng hình sự là một quá trình diễn ra liên tục và xuyên suốt, từ khi xử lý tin báo tố giác tội phạm, đến điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Do vậy, không có lý do gì việc tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ truy tố đều được quy định trong nội dung sửa đổi, bổ sung lần này, nhưng việc tạm đình chỉ xét xử không được đưa vào, vì lý do sẽ có nghị quyết của phiên tòa trực tuyến sắp tới.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điểm d vào khoản 1, Điều 281 để đảm bảo tính tương đồng, thống nhất, xuyên suốt trong quá trình tố tụng, từ khi xử lý tin báo tố giác tội phạm cho đến khi thi hành án. Không thể đến giai đoạn xét xử thì áp dụng hình thức trực tuyến, còn các giai đoạn khác lại áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự; và trong tương lai phiên tòa trực tuyến này cũng phải đưa vào Bộ luật Tống tụng hình sự” – đại biểu Phan Thái Bình nói.