Hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều nguy hiểm như nhau
(QNO) - Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nêu quan điểm như vậy khi phát biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự tại điểm cầu Quảng Nam vào sáng nay 25.10.
Tại phiên thảo luận trực tuyến sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau, phân vân liên quan đến nội dung cho phép hay không phép các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành khởi tố vụ án đối với nhãn hiệu và kể cả chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại.
Về vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình nêu quan điểm đồng tình với phương án thống nhất như giải trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là việc khởi tố đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần yêu cầu khởi tố của người bị hại.
Đại biểu Phan Thái Bình phân tích, tại điều 18.30 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về công nhận chỉ dẫn địa lý quy định, các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng, hoặc các biện pháp pháp lý khác.
“Như vậy có thể hiểu, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu. Đồng thời, Hiệp định CPTPP không cấm việc mở rộng phạm vi bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý nên việc áp dụng cơ chế đối với cả chỉ dẫn địa lý là hoàn toàn không vi phạm Hiệp định CPTPP” - ông Bình phát biểu.
Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là sản phẩm trí tuệ, là đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đều có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau.
Ông Bình cho rằng, áp dụng cơ chế cho cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mới là việc làm cần thiết để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, việc khởi tố không theo yêu cầu của người bị hại không có nghĩa làm mất đi quyền này của người bị hại.
“Người bị hại yêu cầu hay không thì chúng ta vẫn khởi tố, đảm bảo quyền của người bị hại được bảo vệ ở một cấp cao hơn. Quy định này không ảnh hưởng quyền khởi kiện nếu có thiệt hại xảy ra đối với người bị hại theo quy định của luật dân sự. Đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong lập pháp, ổn định và xử lý đồng bộ của quy định pháp luật về tố tụng hình sự và các luật liên quan. Tôi đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc nên giữ lại như phương án đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là việc khởi tố này bao gồm cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý” - ông Bình nêu rõ quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghị bổ sung vào điểm d, khoản 1, Điều 281, sau điểm c, đối với việc tòa án sẽ tạm đình chỉ xét xử vụ án trong trường hợp không thể tiến hành hoạt động tố tụng để xét xử vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử. Và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết điều này.
Đưa ra luận giải của mình, ông Bình đề nghị dự thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điểm d, vào khoản 1, điều 281 để đảm bảo tính tương đồng, thống nhất, xuyên suốt trong quá trình tố tụng, từ khi xử lý tin báo tố giác tội phạm cho đến khi thi hành án. Không thể đến giai đoạn xét xử thì áp dụng hình thức trực tuyến, còn các giai đoạn khác lại áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự; trong tương lai phiên tòa trực tuyến này cũng phải đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự.