Vùng cao đối diện "nguy cơ kép": Xoay xở trong khó khăn
Phước Sơn được xác định mức độ dịch Covid-19 ở cấp độ 4 - cấp độ nguy cơ rất cao. Số ca mắc vẫn chưa dừng lại. Còn Nam Giang được xếp cấp độ 3 và số ca mắc vẫn đang tăng từng ngày. Vùng cao đang phải xoay xở chống chọi với cả thiên tai và dịch bệnh phức tạp.
XOAY CHUYỂN PHƯƠNG ÁN
Liên tục từ ngày phát hiện ca mắc đầu tiên (12.10), các phương án y tế tại Phước Sơn phải xoay chuyển theo diễn biến tình hình dịch Covid-19.
Cách ly theo địa bàn
Tính đến ngày 20.10, chỉ trong vòng 1 tuần, tổng số ca mắc trên địa bàn Phước Sơn ghi nhận gần 200 ca. Chính vì số ca tăng mạnh buộc địa phương này phải nâng cấp độ phòng chống dịch lên mức 4 - cấp độ nguy cơ rất cao.
Hàng loạt hoạt động buộc phải siết chặt. Số ca mắc nhiều nhất lại ở các địa phương có điều kiện đi lại khó khăn, cách xa trung tâm huyện và phần đông là đồng bào Giẻ Triêng. Những ngày đầu sau ca dương tính cộng đồng được phát hiện, toàn huyện Phước Sơn phải đặt trong tình trạng “báo động đỏ”.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, diễn biến của dịch bệnh quá nhanh khiến việc chuẩn bị điều kiện cách ly lẫn chăm sóc y tế trong những ngày đầu khá bị động.
“Khi ca mắc đầu tiên phát hiện tại cơ sở y tế ở Tam Kỳ, chúng tôi lập tức cho khoanh vùng xã Phước Chánh để xét nghiệm cho bà con. Việc đưa bà con đi cách ly tập trung cũng gặp khá nhiều khó khăn do tập tục sinh hoạt, nhận thức cho đến điều kiện ở cơ sở cách ly của huyện lúc đó cũng không thể đảm bảo cho nhiều người cùng một lúc. Cả ngày lẫn đêm, các lực lượng y tế, quân đội... tất bật với mục tiêu khoanh vùng, kiểm soát dịch được nhanh nhất” - ông Lê Quang Trung nói.
“Khu cách ly F0 tại trạm y tế có thể đảm bảo về việc cách ly, tuy nhiên khả năng điều trị các ca nhiễm nặng nếu gặp trường hợp bị chia cắt sẽ khó khăn, do không đảm bảo trang thiết bị. Chúng tôi đang đề nghị Trung tâm Y tế huyện nghiên cứu phương án xác định đưa Phước Lộc thành khu điều trị F0 thể nhẹ trong điều kiện chia cắt xảy ra, hỗ trợ thêm nhân lực, vật tư y tế kèm theo. Nếu bệnh nặng chúng tôi sẽ hỗ trợ việc chuyển tuyến” - ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc kiến nghị. (P.V)
Xác định ổ dịch tại xã Phước Chánh, chính quyền Phước Sơn tiến hành các biện pháp truy vết. Tuy nhiên, nhân lực y tế ít ỏi trong những ngày đầu không thể đảm đương hết việc xét nghiệm và tổ chức cách ly cho bà con.
Chưa kể, số bà con “sợ” xét nghiệm, trốn lên các chòi nương rẫy ở sâu trong các khu vực khó tiếp cận, khiến câu chuyện truy vết đã khó càng khó hơn.
Ông Nguyễn Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn nói, bắt đầu từ 13.10, nhân viên y tế gần như phải làm xuyên đêm để lấy mẫu.
“Chúng tôi phải bố trí xoay tua để anh em thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo sức khỏe. Chưa kể phải có nhân lực hỗ trợ cho các Trạm Y tế xã nơi có dịch, rồi anh em phục vụ khu cách ly và số anh em trực chiến tại trung tâm” - ông Long nói.
Phước Sơn có 2 khu cách ly tập trung cấp huyện và 13 khu cách ly tập trung ở tuyến xã. Địa phương này phải tính đến chuyện xã cách ly với xã, thôn cách ly với thôn để đảm bảo giảm số lượng người phải dồn chung ở một khu. Và việc sử dụng trường học để làm khu cách ly tập trung ở xã được tính toán.
Ông Lê Quang Trung cho biết, sau mấy ngày đầu bị động về chỗ ăn ngủ cho bà con thực hiện cách ly, huyện đã tốc lực vận động xã hội hóa để hỗ trợ giường xếp, chăn mền cho bà con.
Cầu viện tỉnh
Hoàn toàn bị động là điều mà nhiều ngành chức năng của Phước Sơn xác nhận khi số ca dương tính tăng rất nhanh. Chính quyền huyện này vẫn xác định sẽ không thể tránh khỏi việc xuất hiện ca dương tính, nhưng điều không ai lường được là dịch bệnh lại ập đến các xã vùng cao, khó khăn của địa phương.
“Chủ trương tiêm vắc xin của địa phương ban đầu ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và người dân sống dọc đường Hồ Chí Minh - vì chúng tôi nghĩ người dân ở đây tiếp xúc nhiều với lượng người qua lại từ các địa phương khác, cũng như nơi đoàn người hồi hương qua lại. Do vậy, khi ổ dịch xuất hiện tại Phước Chánh và bùng phát ở các xã lân cận như Phước Lộc, Phước Công... chúng tôi bị động thời gian đầu” - ông Trung nói.
Lực lượng y tế với gần 80 cán bộ và nhân viên ngay lập tức trong ngày 16.10 được điều động về hỗ trợ cho Phước Sơn.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế nói, xác định khó khăn của Phước Sơn là thiếu nhân lực lấy mẫu và ngành y tế phải huy động sinh viên các trường y trên địa bàn cũng như cán bộ y tế ở xã phường, CDC Quảng Nam gấp rút thực hiện nhiệm vụ tại Phước Sơn.
Kết hợp cùng y tế tại địa phương, trong vòng 3 ngày, tất cả người dân ở các xã vùng cao của Phước Sơn được lấy mẫu xét nghiệm. Địa phương này cũng được hỗ trợ kit test để thực hiện xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn.
Khi câu chuyện xét nghiệm cơ bản suôn sẻ thì địa phương này phải đối diện với số F0 xuất hiện cùng lúc quá nhiều, trong khi từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn Phước Sơn liên tục diễn ra các đợt mưa lớn gây cô lập cục bộ một số địa bàn.
Việc vận chuyển F0 từ nơi cư trú đến nơi điều trị gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều giải pháp được đưa ra. Thông tuyến trong đêm, đưa F0 bằng xe máy, xe tải để qua được các khu vực chia cắt, giao thông cản trở đến xe cứu thương tiếp viện đưa bệnh nhân đi điều trị...
Ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, Bệnh viện hỗ trợ xe vận chuyển F0 để cùng với 2 xe của địa phương này kịp thời đưa F0 đến viện.
Đến cuối tuần này, Phước Sơn đã gần 10 ngày xuất hiện dịch bệnh. Số F0 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng đã giảm so với những ngày đầu. Các địa phương có dịch bệnh cũng đã được phong tỏa. Huyện Phước Sơn đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn 70% dân số toàn huyện. Từng ngày một, những khó khăn đang được gỡ dần...
ỨNG PHÓ THIÊN TAI TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH
Đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn Phước Sơn liên tục diễn ra các đợt mưa lớn gây cô lập cục bộ một số địa bàn. Mùa mưa lũ đã bắt đầu. Rất nhiều sự chủ động từ phía người dân lẫn chính quyền sau những thảm họa xảy ra vào năm 2020 giúp công tác ứng phó có nhiều thuận lợi hơn. Cùng với đó, kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đã được xây dựng và vận dụng.
Tại xã Phước Lộc, đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 70 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện. Kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được xây dựng và vận dụng linh hoạt để nhanh chóng ứng phó tình hình.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho hay, về phòng chống thiên tai, các đội xung kích được thành lập ở các thôn đã sẵn sàng, khi có bão lũ sẽ triển khai phương án ứng phó theo kịch bản đặt ra trước đó. Nếu mưa lớn sẽ vận động sơ tán những nơi nguy hiểm, lập chốt chặn, kiểm soát, hạn chế việc di chuyển của bà con vừa để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão vừa phòng chống dịch.
“Với lương thực thực phẩm, vật tư tại chỗ cho phòng chống thiên tai và dịch, nhờ sự chủ động từ trước nên có thể đáp ứng trong vòng 2 tháng cho người dân và cả khu cách ly, do đã được huyện hỗ trợ 20 tấn gạo, cùng với số gạo dự trữ khoảng hơn 7 tấn tại trường học.
Về lương thực thực phẩm, xã đã chuẩn bị cơ bản, cùng với sự giúp đỡ của Mặt trận và các đoàn thiện nguyện về thịt, cá khô, rau quả, cơ bản có thể đảm bảo trong vòng 15 ngày.
Chúng tôi cũng đã lên danh sách các hộ chăn nuôi, trong trường hợp một kịch bản xấu hơn xảy ra, chúng tôi sẽ tổ chức lấy nguồn này để cấp cho các khu cách ly và cả người dân. Bà con cũng rất chủ động chuẩn bị cho mùa mưa bão, các cửa hàng trên địa bàn cũng có số lượng hàng hóa nhất định đảm bảo việc cung ứng” - ông Lưu Huyền Thoại cho biết.
Nhiều địa phương khác như Phước Thành, Phước Công… cũng đang tìm cách ứng phó linh hoạt với thiên tai và dịch bệnh diễn ra song song.
Tây Giang: Sắp xếp dân cư giúp ứng phó tốt với thiên tai và dịch bệnh
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, toàn huyện có khoảng 30 điểm sạt lở lớn nhỏ sau áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn vừa qua. Tuy không thiệt hại về người, song có ảnh hưởng một số hoa màu của người dân và đường dây điện ở vùng cao. Huyện rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để đề phòng, sẵn sàng các vật tư, mua sắm thêm áo phao, loa cầm tay để sử dụng. Năm nay huyện rất chủ động, nếu bị chia cắt vài ba tháng không có gì phải lo. Trong tình huống dịch bệnh, việc sắp xếp, bố trí dân cư, mỗi khu dân cư nằm tách biệt và được quy hoạch bài bản nên khu nào có dịch thì sẽ được phong tỏa ngay.(P.V)
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, vật tư lẫn năng lực, sự chia sẻ kịp thời từ phía cộng đồng đã hỗ trợ tích cực cho địa phương để giải quyết những khó khăn cấp thời.
Ngay sáng 20.10, từ sự hỗ trợ, đóng góp của các nhà hảo tâm, rất nhiều nhu yếu phẩm, thực phẩm lẫn trang thiết bị hỗ trợ chống dịch đã được thành viên câu lạc bộ thiện nguyện Khâm Đức vận chuyển vào tận xã Phước Lộc để hỗ trợ địa phương này chống dịch.
Chị Võ Hoàng Phi - CLB thiện nguyện Khâm Đức cho biết: “Chúng tôi đã mua quà là lương thực thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế hỗ trợ bà con chống dịch. Đợt này do bị sạt lở phải đợi thông đường chúng tôi mới vào được. May mắn là đường sá đã đi lại được sau 2 ngày nên mọi hoạt động hỗ trợ được tiếp tục”.
Bà Nguyễn Thị Bích Diễm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phước Sơn cho biết: “Ngay sau khi dịch bùng phát, Mặt trận đã tổ chức vận chuyển gần 1.300 suất quà cho người dân 3 xã đang có dịch gồm Phước Chánh, Phước Công, Phước Lộc.
Tại Phước Lộc, do mưa lớn gây cô lập nên đến ngày 20.10, ngay sau khi thông đường, hàng hóa đã được vận chuyển vào để hỗ trợ cho bà con. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cân đối từ các nguồn nhằm kịp thời giúp bà con có điều kiện ổn định cuộc sống trong bối cảnh phải thực hiện một số biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh”.
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ở các địa phương miền núi, công tác phòng chống dịch Covid-19 và phòng chống thiên tai đều phải ưu tiên “4 tại chỗ”. Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh diễn ra cùng lúc, lương thực dự trữ phải nhiều hơn, sẵn sàng cho khu cách ly tập trung. Phải bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh diễn ra.
Theo kịch bản phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 của tỉnh, công tác sơ tán dân sẽ được các cấp chính quyền địa phương thay đổi theo hướng ưu tiên xen ghép, sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung như trước đây. Trong thời gian này, các xã sẽ tiến hành thống kê số nhà kiên cố trên địa bàn, quy mô chứa được người sơ tán bảo đảm 5K.
LINH HOẠT CÁC PHƯƠNG ÁN DẠY HỌC
Tùy theo mức độ diễn biến của dịch Covid-19, ngành giáo dục các huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn sẽ tổ chức phương án dạy học phù hợp, đảm bảo vừa ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vừa không để học sinh nghỉ học kéo dài.
Sau thời gian chủ động khoanh vùng dập dịch, nhiều trường học ở Nam Giang áp dụng phương án dạy học mới. Các trường có F0 tạm dừng dạy học trực tiếp, đưa các bệnh nhân đi điều trị, tổ chức truy vết, cách ly đối với F1; lấy mẫu xét nghiệm tất cả giáo viên, học sinh nằm trong “vùng đỏ”.
Phòng GD-ĐT Nam Giang áp dụng phương án dạy học tạm thời, vận động giáo viên và học sinh nghiêm túc thực hiện “5K”, tuân thủ các quy định về phương án phòng chống dịch của chính quyền, khuyến khích giáo viên đang dạy tại các xã vùng cao ở lại trường, giãn các buổi học theo từng ca sáng và chiều nhằm hạn chế tập trung đông người…
Ông Châu Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Giang cho biết, có ít nhất 11 học sinh tại các điểm trường ở thị trấn Thạnh Mỹ bị dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều trường học đã được phong tỏa, tạm dừng dạy học trực tiếp để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Một số điểm trường được chỉ đạo tổ chức dạy học trực tuyến, tuy nhiên chủ trương này đang gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện tại chỗ của học sinh và giáo viên không đảm bảo.
“Phương án trước mắt chúng tôi tạm dừng hoạt động dạy học tại điểm trường có học sinh F0. Sau khi xét nghiệm toàn bộ số học sinh và giáo viên còn lại, nếu cho kết quả âm tính thì sẽ tính đến chuyện hoạt động việc dạy học trở lại” - ông Vĩnh nói.
Theo phương án dự phòng của ngành giáo dục Nam Giang, đối với số học sinh tại khu vực giãn cách, phong tỏa, ngoài dạy học trực tuyến vào các buổi tối cho các em có thiết bị học tập, nhà trường photo các phiếu học tập hướng dẫn học sinh tự học tập tại khu cách ly hoặc photo tài liệu, chuyển nội dung học tập qua zalo, facebook để học sinh tự học.
Đối với số học sinh đang cách ly tập trung, giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em học theo nhóm, đảm bảo giữ khoảng cách và sẽ bổ sung kiến thức khi các em đi học trực tiếp. Các trường học còn lại, vẫn triển khai hoạt động dạy học bình thường.
Riêng tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Nam Giang, tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh có liên quan đến yếu tố dịch tễ tại thôn Mực đều được cho ở nhà và thực hiện cách ly. Nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp, đưa 60 học sinh ngoại trú vào ở nội trú, bố trí khu ở riêng, ăn riêng tại nhà đa năng của trường.
“Quá trình học tập của học sinh đều diễn ra khép kín tại trường. Chúng tôi yêu cầu 100% giáo viên vào ở nội trú để dạy học, trừ các trường hợp đặc biệt có con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn không vào ở nội trú được thì phải có cam kết về thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức học sinh và giáo viên ăn theo ca, chia theo khẩu phần, hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa các phòng ở trong khu nội trú” - ông Vĩnh nói.
Tại Phước Sơn, ngay sau khi phát hiện các ca dương tính đầu tiên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phước Chánh, chính quyền triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất nhằm hạn chế tối đa mức độ lây lan trong cộng đồng.
Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT Phước Sơn cho hay, toàn bộ trường học trên địa bàn huyện đã tạm dừng hoạt động để phối hợp xét nghiệm, tầm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tùy theo mức độ diễn biến của dịch bệnh, địa phương sẽ tiếp tục có phương án phù hợp, đảm bảo việc học tập của học sinh.
“Hiện các điểm trường có học sinh và giáo viên F0 đã được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, nếu đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ triển khai việc dạy học trở lại và bổ sung kiến thức cho học sinh đảm bảo theo kế hoạch chung” - bà Lệ nói.