Bổ sung hình thức khen thưởng huy chương cho lực lượng thanh niên xung phong là cần thiết
(QNO) - Sáng nay 23.10, thảo luận tổ ở điểm cầu Quảng Nam theo chương trình kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thống nhất cao với nội dung bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” của dự thảo Luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi).
Các ý kiến thảo luận cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung góp ý của các địa phương, sát với thực tiễn công tác thi đua - khen thưởng hiện nay. Trong đó đã mở rộng đối tượng tham gia thi đua và được khen thưởng, như đối với tập thể và cá nhân người nước ngoài.
Cùng với đó, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, dự thảo luật bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình.
Đặc biệt, ý kiến thảo luận của các ĐBQH tỉnh đều thống nhất cao với việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” tại Điều 55 của dự thảo luật. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước cho rằng, việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” là rất cần thiết, nhưng cần đặt lại tên gọi cho phù hợp, chỉ cần gọi “Huy chương thanh niên vẻ vang” là đủ.
Theo ông Phước, ở thời kỳ nào, với những hoàn cảnh cụ thể lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện không ngại gian khó, hiểm nguy dấn thân, cống hiến, hy sinh. Việc bổ sung hình thức khen thưởng này nhằm ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của lực lượng thanh niên.
“Sau ngày giải phóng, lực lượng thanh niên xung phong hăng hái lên đường đến những vùng đất khó khăn, hiểm nguy nhất để làm nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh. Tại Quảng Nam, lực lượng thanh niên bỏ cả tuổi thanh xuân để đóng góp công sức xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh. Song đến nay, sự cống hiến, đóng góp của họ chưa được tôn vinh, ghi nhận xứng đáng. Họ không đòi hỏi chế độ chính sách, chỉ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế nhưng đến nay, nguyện vọng này vẫn chưa được giải quyết. Đây là dịp Quốc hội ủng hộ, Chính phủ cần quan tâm có chính sách hỗ trợ cho lực lượng này” - ông Phước chia sẻ.
Bày tỏ sự đồng tình cao với việc bổ sung hình thức khen thưởng huy chương cho lực lượng thanh niên xung phong, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, để việc khen thưởng không bị lặp, những người đã có khen thưởng kháng chiến ba thời kỳ rồi thì không khen thưởng huy chương này nữa. Còn một số người bị thất lạc hồ sơ, thiết lập hồ sơ đề nghị khen thưởng kháng chiến ba thời kỳ chưa được, có hình thức khen thưởng này cho họ là rất là xứng đáng.
“Theo tôi, không dùng từ “thanh niên xung phong vẻ vang”, đặt tên lại cho phù hợp, với tinh thần có hình thức khen thưởng cho cả lực lượng thanh niên xung phong sau ngày đất nước thống nhất, đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, đất nước. Có hình thức khen thưởng này, trên cơ sở đó, điều chỉnh Pháp lệnh ưu đãi người có công, giải quyết chế độ chính sách cho đối thượng thanh niên xung phong, điều này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay” - ông Dũng nói.