Glasgow - nơi thế giới tìm giải pháp cứu trái đất
Từ ngày 31.10 - 12.11, Glasgow (Scotland) - thành phố thân thiện của châu Âu và thành phố xanh toàn cầu năm 2020 sẽ là nơi quy tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới để tìm giải pháp cho hành tinh xanh.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi các quốc gia trên thế giới cùng nhau hướng tới kế hoạch phục hồi xanh thời hậu Covid-19 và là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn nhiệt độ trái đất gia tăng.
Trong thời gian 2 tuần, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ, các doanh nghiệp, chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đến thành phố Glasgow thảo luận về cách tốt nhất đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris.
Đây là thỏa thuận chung được hơn 190 quốc gia thông qua cuối năm 2015, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn, lành mạnh hơn. Các quốc gia cam kết hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C, nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Nhưng đến nay, thế giới vẫn báo động đỏ vì hành tinh đang nóng lên, thảm họa thiên tai ngày càng khắc nghiệt.
Glasgow là thành phố lớn nhất của Scotland nằm vắt qua hai bên bờ sông Clyde. Scotland cũng là quốc gia miền núi nằm ở phía bắc và là một phần của Vương quốc Anh. Với dân số khoảng 600.000 người, Glasgow là xứ sở truyền cảm hứng cho thế giới vì hành động bảo vệ môi trường khi đạt kỷ lục tuyệt vời giảm lượng khí thải nhà kính.
Glasgow cam kết đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2030. Năm 2020, thành phố đạt được mục tiêu giảm 30% CO2 so với năm 2015, bao gồm việc phủ xanh thành phố, thực hiện các dự án sử dụng năng lượng thấp, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong đại dịch Covid-19, Glasgow mở rộng cơ sở hạ tầng dành cho người đi xe đạp nhằm tạo ra một mạng lưới giao thông công cộng không thải CO2, được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ thực hiện.
Ủy viên Hội đồng thành phố Glasgow - Susan Aitken nói: “Danh hiệu thành phố xanh toàn cầu của Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) là sự thừa nhận những bước tiến to lớn trong việc xây dựng môi trường tốt hơn cho tương lai. Glasgow đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích cho người dân”.
Với Glasgow, chính sách môi trường không thể tách rời chính sách an sinh xã hội và phục hồi sau Covid-19. Tính bền vững trong phát triển và bảo vệ môi trường không chỉ để đối phó với biến đổi khí hậu mà cũng là để trao quyền cho cộng đồng. Khả năng phục hồi không chỉ là cuộc chiến chống lại đại dịch mà còn để giải quyết các vấn đề xã hội tiềm ẩn.
Còn nhìn rộng hơn, Scotland là trọng tâm trong kế hoạch phát triển bền vững của Vương quốc Anh với dự án thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2 đầu tiên của vương quốc.
Việc phát triển các trang trại gió ngoài khơi cũng là chìa khóa cho tương lai bền vững của Scotland, đủ cung cấp năng lượng cho mọi gia đình ở Vương quốc Anh vào năm 2030, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về bảo vệ hành tinh.
Glasgow có nền kinh tế lớn nhất ở Scotland và là trung tâm của khu vực đô thị tây trung Scotland, có GDP bình quân đầu người cao thứ ba trong toàn bộ thành phố ở Vương quốc Anh (sau London và Edinburgh).
Thành phố đang chăm sóc cuộc sống của người dân sở tại đồng thời hòa nhịp cùng thế giới vì hành tinh xanh hơn, phát triển bền vững hơn để không ai bị bỏ lại phía sau. Chính vì thế, Glasgow kỳ vọng tạo thêm động lực để các nhà lãnh đạo thế giới tựu về trong COP-26 tìm ra các giải pháp cứu lấy trái đất trước khi quá muộn.