Nụ cười thầy Park và giấc mơ Thường Châu
Ngày 27.10 tới đội tuyển U23 Việt Nam sẽ bước vào tranh tài ở vòng loại U23 châu Á - 2022. Dù 3 năm đã trôi qua song giấc mơ Thường Châu 2018 lại hiện về trong tâm trí của người hâm mộ Việt Nam mỗi khi giải U23 châu lục khởi tranh.
Nụ cười thầy Park
Đã lâu rồi mới chứng kiến nụ cười của HLV Park Hang Seo sau chiến thắng 3-0 của các học trò trước Kyrgryztan trong trận đấu giao hữu hôm 17.10 trước khi đội tuyển U23 Việt Nam bước vào thi đấu vòng loại giải U23 châu Á - 2022.
Nụ cười hiếm hoi bởi trong 4 trận đấu liên tiếp trước đó của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup, ông Park cùng các học trò đều nhận trái đắng toàn thua và là đội duy nhất chưa có điểm số nào trong tay.
Kể từ ngày nhận lời dẫn dắt bóng đá Việt Nam, chưa bao giờ HLV người Hàn Quốc gặp khó khăn như thời điểm hiện nay.
Cho dù mang lại thành tích đặc biệt xuất sắc cho đội tuyển Việt Nam khi lần đầu tiên vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup, nhưng những thất bại liên tiếp ở vòng đấu thứ 3 khiến ông Park thất vọng không ít và lên tiếng nhận lỗi về mình.
Quả thật, các học trò của ông đã có thể có được kết quả tốt hơn trong trận đấu với Trung Quốc, thậm chí với Úc chứ không đến nỗi trắng tay rời sân.
Tại vòng loại diễn ra tại Kyrgryztan, U23 Việt Nam chung bảng với U23 Đài Loan và U23 Myanmar. Vào ngày 27.10, U23 Việt Nam gặp U23 Đài Loan và ngày 2.11 U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar.
Do bận làm nhiệm vụ ở đội tuyển Việt Nam thi đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup nên HLV Park Hang Seo thời gian qua ít có điều kiện theo dõi các tuyển thủ lứa mới tập luyện mà giao cho một trợ lý phụ trách.
Vì vậy, trận đấu giao hữu vừa qua là dịp quý giá giúp ông kiểm nghiệm lần cuối đội hình chiến thuật lẫn con người để sử dụng tại các trận đấu vòng loại giải U23 châu Á sắp tới.
Không quan trọng về mặt kết quả trong trận cầu giao hữu song một chiến thắng lúc này cũng có thể xem là liều thuốc tinh thần ít nhiều góp phần giải tỏa và mang lại sự lạc quan cần thiết cho vị chiến lược gia người Hàn Quốc.
Nhìn rộng hơn, thành tích tại giải U23 cũng là bệ đỡ tinh thần cho ông trong chiến dịch World Cup với các trận đấu còn lại mà gần nhất là 2 trận đấu với Nhật Bản và Ả Rập Xê Út tại Mỹ Đình trong tháng 11.
Giấc mơ Thường Châu
Năm 2018, đội U23 Việt Nam tạo ra cú sốc cực lớn cho bóng đá châu lục khi lọt vào đến trận chung kết U23 châu Á. Những cầu thủ tỏa sáng năm đó như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Đình Trọng, Duy Mạnh… tiếp tục phong độ ấn tượng và hiện nay là trụ cột của đội tuyển Việt Nam.
Bởi vậy, cứ mỗi lần khởi tranh giải U23 châu Á, giấc mơ về Thường Châu - nơi U23 Việt Nam thi đấu thăng hoa trong tuyết lạnh lại hiện về trong tâm trí người hâm mộ Việt Nam.
Đã 3 năm trôi qua, có nghĩa “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam thời điểm giành chức á quân U23 châu Á - 2018 đã xong trọng trách và giờ là lúc thế hệ đàn em. Công tâm mà nói, về mặt lực lượng thế hệ U23 hiện nay không xuất sắc và tinh nhuệ như lứa đàn anh ở Thường Châu.
Trong đội hình U23 lần này, HLV Park Hang Seo vẫn sử dụng một số tuyển thủ quốc gia nhưng ngoài thủ môn Văn Toản và hậu vệ Lê Văn Xuân, các trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lý Công Hoàng Anh không phải nổi bật và chưa chắc suất đá chính ở V-League.
Một vài gương mặt trẻ khác cũng để lại ấn tượng như Nguyễn Hai Long (cựu cầu thủ Than Quảng Ninh vừa chuyển về Hà Nội) hay Nguyễn Hữu Thắng (Viettel) song khó so sánh được về tài năng với các đàn anh khi cùng độ tuổi.
Dịch bệnh Covid-19 khiến cho bóng đá trẻ không có cơ hội thi đấu quốc tế và đây là cơ hội chính thức cho U23 Việt Nam thể hiện mình. Mục tiêu giành tấm vé dự vòng chung kết của bảng đấu này không quá khó, bởi U23 Đài Loan khá yếu còn ngay cả U23 Myanmar cũng không phải là đối thủ ngang cơ.
Song mới chỉ trải qua 2 trận đấu giao hữu chưa thể đánh giá đúng thực lực đội hình trong tay HLV Park Hang Seo. Người hâm mộ mong chờ và hy vọng, U23 Việt Nam với những con người mới có thể viết tiếp câu chuyện cổ tích như đàn anh tạo nên cách đây 3 năm.