Chính phủ cần sớm có kế hoạch triển khai 3 chương trình mục tiêu lớn đã được Quốc hội thông qua
Ngày 21.10, theo chương Kỳ họp thứ hai của Quốc hội (khóa XV), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, gồm: Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn thảo luận tại tổ ở điểm cầu Quảng Nam về các nội dung: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.
Chủ trì phiên thảo luận tổ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, năm 2022 Chính phủ đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất sâu sắc, quyết liệt; nhưng để hoàn thành các mục tiêu, Chính phủ cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch dịch Covid-19, với các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn, thích ứng với giai đoạn mới, đồng bộ theo nguyên tắc tuân thủ quy định chung của Trung ương; tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa và sản xuất của doanh nghiệp.
Chính phủ cần có kế hoạch triển khai sớm nhất 3 chương trình mục tiêu lớn đã được Quốc hội thông qua, gồm chương trình mục tiêu về chính sách cho dân tộc và miền núi, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025...
Đại biểu Lê Văn Dũng khẳng định, ghi nhận kiến nghị của nhân dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tại Kỳ họp thứ hai này các ĐBQH tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với những tồn tại, hệ lụy từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi đưa vào hoạt động; đề xuất Trung ương có cơ chế cho người dân ở các xã trước đây khó khăn vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới được hưởng bao hiểm y tế thêm ít nhất 3 - 5 năm; cho chủ trương đối với việc mua bảo hiểm y tế của học sinh theo hộ gia đình, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, xử lý dứt điểm nợ bảo hiểm y tế…
Chiều cùng ngày, các ĐBQH tỉnh tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; sau khi nghe thành viên Chính phủ trình bày tờ trình về hai dự án luật nêu trên và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.