Chính sách hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19: Triển khai chặt chẽ, đúng đối tượng

VINH ANH 21/10/2021 08:20

Tiến hành giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại một số địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận kết quả cũng như vướng mắc từ triển khai chính sách này.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với huyện Đại Lộc. Ảnh: V.A
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với huyện Đại Lộc. Ảnh: V.A

Chặt chẽ từng khâu

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có sự tham gia của đại diện HĐND tỉnh, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH... Từ ngày 12 - 15.10, đoàn đã làm việc với các địa phương Phước Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình và Hội An về thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Nghị quyết 45 ngày 22.7.2021 của HĐND tỉnh.

Tại huyện Đại Lộc, đến nay có 2.021 trường hợp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2,23 tỷ đồng. Trong đó, theo Nghị quyết 68, đã chi hỗ trợ cho 2 lao động thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 36 hộ kinh doanh; 11 lao động ngừng việc do bị cách ly y tế; 3 trẻ thực hiện cách ly tập trung.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, nhiều địa phương đã tổ chức gặp mặt, thông báo chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương cho người lao động mất việc làm và hỗ trợ phục hồi sản xuất đến doanh nghiệp. Tuy nhiên qua giám sát, đến nay hầu hết địa phương chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận chính sách này. Tại Hội An, địa phương thông báo đến 178 doanh nghiệp nhưng đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp được vay vốn với số tiền 400 triệu đồng để trả lương cho hơn 100 lượt lao động. Theo phản ánh của Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương, các doanh nghiệp rất cần vốn, tuy nhiên không mặn mà với chính sách của Nghị định 68, do bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện và thủ tục khắt khe về quyết toán thuế, nợ xấu, đóng bảo hiểm cho người lao động...

Theo Nghị quyết 45, đã chi hỗ trợ cho 1.531 người cách ly tập trung (trên tổng số 4.972 người cách ly tập trung) với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng và 434 lao động tự do với số tiền gần 820 triệu đồng.

Trong khi đó, đến nay huyện Thăng Bình đã phê duyệt hỗ trợ 24 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ viêc không lương; 18 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động; 86 người cách ly y tế; 31 trẻ em là F0 hoặc cách ly y tế (F1)… theo Nghị quyết 68.

Phê duyệt hỗ trợ 180 lao động ở khu vực bị phong tỏa với kinh phí hơn 132 triệu đồng; 5 lao động tự do ngoài khu vực phong tỏa, giãn cách; 396 người cách ly y tế tập trung với kinh phí hơn 325 triệu đồng… theo Nghị quyết 45.

Theo ghi nhận của đoàn giám sát, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được các địa phương triển khai kịp thời, chặt chẽ. Trong đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp triển khai và phát huy vai trò giám sát ngay từ đầu.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, huyện đã thành lập Tổ công tác triển khai Nghị định 68 và Nghị định 45, ban hành các văn bản triển khai, tổ chức tập huấn và các cuộc họp để nghe doanh nghiệp phản ánh tình hình hoạt động sản xuất, đời sống công nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

“Ở cơ sở, ngoài giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư, nhằm đảm bảo sự chắc chắn, tránh sai sót, UBND xã, thị trấn đã thành lập hội đồng thẩm định để tổ chức xét duyệt từng hồ sơ, từng trường hợp.

Ở huyện, các ngành chuyên môn, đặc biệt là Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Tài chính sẽ thẩm định, rà soát cẩn thận trước khi chi hỗ trợ. Đến nay, chưa có bất cứ phản ánh nào của người dân liên quan đến sai phạm trong công tác hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19” - ông Mẫn nói.

Ghi nhận kiến nghị

Qua làm việc với các địa phương về thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 68 và Nghị định 45, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị từ địa phương.

Bà Võ Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho rằng địa phương rất khó xác định các trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) tại khu vực bị phong tỏa hoặc bị giãn cách.

Lý do là Nghị quyết 45 quy định còn chung chung, không quy định rõ đối tượng cụ thể. Trong khi lao động tự do tại các khu vực bị phong tỏa hoặc bị giãn cách đa số làm việc tại những địa điểm cố định, mang tính ổn định, lâu dài thì Nghị định 45 và Quyết định 2056 của UBND tỉnh quy định chỉ hỗ trợ cho lao động làm những công việc không mang tính ổn định, lâu dài, không có địa điểm cố định.

Cũng liên quan đến nhóm lao động tự do, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, Nghị quyết 45 chỉ áp dụng cho những khu vực phong tỏa, giãn cách trong tỉnh, trong khi có rất nhiều trường hợp bị mất việc do nơi làm việc bị phong tỏa, giãn cách.

“Vùng người dân ở không bị phong tỏa nhưng nơi họ làm việc bị phong tỏa. Ví dụ, ở Đại Lộc nhiều người thuộc các xã bị phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch, tuy nhiên họ là những thợ hồ, người buôn bán ở Đà Nẵng - nơi bị phong tỏa, giãn cách và họ cũng bị mất công ăn việc làm. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 45 thì những người này không được hỗ trợ, huyện chưa giải quyết được, chỉ tạm thời giải thích cho người dân hiểu” - ông Mẫn cho hay.

Huyện Đại Lộc còn gặp vướng trong giải quyết hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/người với những trường hợp cách ly tập trung do không có giấy tờ chứng minh tình hình nhân thân.

Theo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc, có hơn 200 người cách ly tập trung không có giấy tờ chứng minh thuộc 2 trường hợp: người về từ vùng dịch là người Đại Lộc và người về từ vùng dịch không phải người Đại Lộc (có thể đi theo bạn bè, người quen). Với trường hợp thứ hai, huyện Đại Lộc gặp vướng vì không thể xác lập hồ sơ hỗ trợ tiền ăn, cần hướng dẫn từ cấp trên.

VINH ANH