Vận hội lớn cho vùng đông Tam Kỳ
Vùng đông Tam Kỳ (gồm Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú và An Phú) thay da đổi thịt từng ngày. Nơi đây đang trên đường trở thành khu vực động lực của thành phố khi những quy hoạch về không gian phát triển dần đi vào thực tiễn.
Bộ mặt mới
Bộ mặt vùng đông Tam Kỳ có hai sự thay đổi dễ thấy nhất, đó là cơ sở hạ tầng giao thông và công nghiệp. Những năm qua, cơ sở hạ tầng chiến lược kết nối vùng đông được quan tâm đầu tư, hình thành nên nhiều tuyến giao thông huyết mạch, thuận lợi cho việc giao thương.
Từ nội thị về vùng đông trước đây gần như chỉ có đường Duy Tân và sau này thêm quốc lộ 40B thì nay có thêm trục Điện Biên Phủ nối từ đường cao tốc đến Tam Thanh. Tuyến ĐT615 cũng đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp kết nối từ quốc lộ 1 đến Tam Thăng, đường Võ Chí Công thông tuyến từ Đà Nẵng đến Chu Lai.
Ông Đoàn Công Mến - người dân xã Tam Thanh cho hay, từ ngày đường Điện Biên Phủ hình thành ông thường chọn tuyến đường này để đi lên nội thị vì khoảng cách rút ngắn khá nhiều, đường lại thông thoáng rộng rãi.
“Chưa bao giờ đi lại ở địa phương thuận lợi như hiện nay. Từ xã này qua xã kia hay đi lên trung tâm hành chính thành phố, tỉnh đều nhanh chóng, dễ dàng” - ông Mến nói.
Vùng đông Tam Kỳ bao đời lặng lẽ với ruộng đồng, sông hồ và biển cả thì những năm gần đây khá sôi động với nhà máy, xí nghiệp. Với diện tích 197ha, Khu công nghiệp Tam Thăng trở thành biểu tượng công nghiệp của Tam Kỳ với 24 doanh nghiệp đầu tư và hiện đang mở rộng thêm 103ha. Hơn 12.000 người mới ngày nào còn lội ruộng thì nay bước chân vào nhà máy, trở thành những công nhân đóng góp đến 35% giá trị công nghiệp toàn thành phố.
Chị Phan Thị Lợi - người dân xã Tam Thăng chia sẻ, nhường đất xây dựng khu công nghiệp, không còn bám với ruộng đồng, chị cùng nhiều bạn bè ở xã vào làm công nhân may tại Công ty Panko, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Trên địa bàn xã Tam Thăng còn sôi động với dịch vụ cho thuê phòng trọ. Lãnh đạo địa phương thông tin, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 phòng trọ, nhà ở cho thuê với hơn 2.000 công nhân từ các địa phương đến lưu trú.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng thành phố trong 3 năm gần đây tăng bình quân hơn 51%/năm. Điều này góp phần làm cho cơ cấu kinh tế vùng đông dịch chuyển rất nhanh và mạnh, đến năm 2020 công nghiệp - xây dựng chiếm đến hơn 61%.
Cơ hội lớn để phát triển
Để tạo ra cú hích cho vùng đông đi lên, từ năm 2017 Thành ủy Tam Kỳ đã ban hành Nghị quyết số 10 (30.10.2017) về một số vấn đề cơ bản phát triển vùng đông giai đoạn 2017 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ Tam Kỳ mới đây đã thông qua chương trình thực hiện Nghị quyết số 07 (4.5.2021) của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng đông và Nghị quyết số 10 của Thành ủy đến 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Định hướng phát triển của thành phố chia thành 4 nhóm dự án theo ngành, lĩnh vực và 2 nhóm dự án hạ tầng. Trong đó, đối với công nghiệp, thành phố ưu tiên các dự án quy mô lớn, đóng góp ngân sách cao song không ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nước thải, chất thải rắn.
Tương tự, khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô 100ha tại xã Tam Phú kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ tiên tiến, chất lượng. Đẩy mạnh nông nghiệp đô thị và hình thành chuỗi liên kết gắn với xây dựng nông thôn mới với một số chuỗi giá trị như sen sông Đầm, nước mắm Tam Thanh, nấm đông trùng hạ thảo Tam Phú, gà Tam Thăng…
Theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Trần Nam Hưng, vùng đông đang có nhiều điều kiện thuận lợi và đứng trước những vận hội lớn cho sự phát triển đột phá trong thời gian tới.
Nơi đây đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Sun Group, FPT,… đến tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư. Đây là tín hiệu khả quan, tạo cơ hội cho lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch phát triển, trở thành ngành động lực thúc đẩy kinh tế vùng đông và thành phố đi lên trong thời gian đến.
“Có khá nhiều khu vực quy hoạch đang chờ đón nhà đầu tư như trục cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ đến Quảng trường biển Tam Thanh với quy mô 746ha gắn với khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển; khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ 280ha; khu đô thị ven sông Trường Giang gắn du lịch nghỉ dưỡng 330ha; khu đô thị, giáo dục 300ha” - ông Hưng cho biết.
Trong quá trình phát triển vùng đông, ông Trần Nam Hưng cho hay, TP.Tam Kỳ đặc biệt lưu ý đến việc quản lý chặt chẽ quy hoạch hiện trạng, trật tự xây dựng và đất đai trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng” về vi phạm đất đai, xây dựng. Hiện tại vùng đông có 15 dự án nhà ở, rất nhiều dự án hạ tầng chiến lược như khu trung tâm hành chính mới, các dự án đô thị, dịch vụ…