Thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm: Chưa đạt kỳ vọng
Việc triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chưa đạt như kỳ vọng, khi còn nhiều trường hợp vi phạm, đặc biệt là thanh niên, học sinh.
Xử lý nhiều trường hợp vi phạm
Thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, các ngành chức năng và Ban ATGT các địa phương đã chú trọng hơn công tác tuyên truyền về quy định bắt buộc đội MBH, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý theo chuyên đề đối tượng vi phạm để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) gây chấn thương sọ não.
Trung tá Nguyễn Duy Phương - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an tỉnh cho hay, thống kê năm 2018, đơn vị và công an các địa phương đã phát hiện, xử lý 5.902 trường hợp vi phạm liên quan đến việc quy định đội MBH khi tham gia giao thông. Con số này năm 2020 là 6.036 đối tượng vi phạm, riêng công an các địa phương đã xử lý 5.146 trường hợp.
Nhìn chung, người tham gia giao thông chấp hành quy định đội MBH ngày càng đông, song trường hợp vi phạm vẫn còn nhiều. Ở các đô thị thường xuyên hiện diện CSGT nhưng nhiều người vẫn bất chấp, không đội MBH. Lượng người vi phạm tại khu vực nông thôn và miền núi còn nhiều hơn.
Thượng tá Nguyễn Viết Trung - Phó Trưởng Công an huyện Duy Xuyên chia sẻ, từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 9.2021, đơn vị lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 2.070 người điều khiển, ngồi trên xe mô tô (chiếm 1.814 trường hợp), xe gắn máy (256 trường hợp) không đội MBH. Năm 2021, Công an huyện xử lý 399 trường hợp gồm 310 người trưởng thành và 89 trẻ em.
Đáng chú ý, người đi xe máy điện, xe đạp điện ngày càng đông nhưng phần lớn không đội MBH, đặc biệt là học sinh. Nguyên nhân phải kể đến là sự hời hợt nhắc nhở từ phía phụ huynh; nhà trường thiếu quan tâm giám sát, quản lý; còn lực lượng chức năng chưa thật sự chú trọng kiểm soát, xử lý đối tượng sử dụng xe đạp điện.
Việc thống kê số lượng người vi phạm quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện chưa được lực lượng chức năng, Ban ATGT cấp huyện đề cập rõ ràng. Thế nên, nhiều địa phương cho rằng thống kê người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đội MBH đạt 99% là không thỏa đáng; đó là chưa kể không ít trường hợp dù đội MBH nhưng chất lượng chưa đạt chuẩn, chưa cài quai đúng quy cách.
Cần áp dụng nhiều biện pháp
Về nạn nhân bị TNGT tử vong liên quan tới việc không đội MBH hoặc đội mũ không đảm bảo chất lượng từ năm 2018 cho đến tháng 9.2021, Ban ATGT huyện Bắc Trà My cho biết có tổng cộng 3 trường hợp; Duy Xuyên có 28 nạn nhân; Hiệp Đức 8 nạn nhân, chiếm tới 50% người tử vong do TNGT trên địa bàn.
Nếu thống kê toàn tỉnh về nạn nhân TNGT không đội MBH mà bị chấn thương sọ não và sống đời sống thực vật, con số này không phải là nhỏ. Thực trạng trên cho thấy, việc thực hiện các giải pháp bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt phải chú trọng kiểm soát, xử lý trường hợp đi xe đạp điện không tuân thủ.
Thượng tá Nguyễn Viết Trung chia sẻ, người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tự trang bị MBH với kiểu dáng, chủng loại khác nhau. Trong đó, nhiều MBH không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Khi phát hiện, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, khuyến cáo chứ không có đủ cơ sở để xử lý. Do vậy, cần có chế tài xử phạt hành vi đội MBH kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ vì thường để lại hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra TNGT.
Thượng tá Bùi Hồng Tình - Trưởng Công an huyện Hiệp Đức cho rằng, cấp thẩm quyền cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng MBH và bổ sung hành vi vi phạm đội mũ không đúng tiêu chuẩn để xử lý, tăng mức phạt vi phạm liên quan đến MBH.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT huyện Bắc Trà My cho biết sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, công chức viên chức và nhân dân nhận biết về những hậu quả của hành vi không đội MBH khi tham gia giao thông. UBND huyện sẽ đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm các cơ quan, đơn vị, địa phương không phối hợp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến quy định đội MBH.
Ban ATGT huyện Phước Sơn kiến nghị Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh chỉ đạo Đội CSGT số 2 thường xuyên mở các đợt cao điểm theo chuyên đề MBH, lồng ghép trong các chuyên đề xử lý vi phạm về ATGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ủy ban ATGT quốc gia tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa về cấp, tặng MBH cho trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.