Đổi thay trên quê hương Lãnh - Ngọc
Cách đây 60 năm, Đội công tác Tiên Lãnh phối hợp với Đại đội H21 của Tỉnh đội Quảng Nam vượt sông Tranh giải phóng 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc (huyện Tiên Phước) mở ra trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương. Tròn 60 năm kể từ khi quê hương được giải phóng, người dân Tiên Lãnh, Tiên Ngọc đã nỗ lực vượt khó, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. diện mạo nông thôn mới (NTM) ngày càng rõ nét.
Tập trung phát triển kinh tế
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành chăn nuôi thú y, anh Nguyễn Công Luật (ở xã Tiên Lãnh) về quê tiếp tục xây dựng, phát huy mô hình kinh tế của gia đình tại khu núi Đá Hang, thuộc thôn 3 của xã.
Tận dụng nguồn nước tự chảy, anh Luật khai phá hơn 4ha đất rẫy của gia đình phát triển vườn trồng cau, cây ăn quả, keo nguyên liệu, xây dựng chuồng trại nuôi gà ta Thái Nguyên, vịt, heo rừng, heo siêu nạc, đào ao nuôi cá và nuôi bò 3B.
Với lợi thế được đào tạo chuyên môn bài bản, lại siêng năng, chịu khó, tìm tòi, nghiên cứu tìm hiểu việc chăm sóc, phòng bệnh nên các loại cây trồng và đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt tạo nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Luật chia sẻ: “Thấy được lợi thế của quê hương, đất đai rộng lớn lại màu mỡ nên sau khi tốt nghiệp cao đẳng tôi nghĩ ngay đến việc quay về đầu tư phát triển kinh tế trên mảnh đất quê. Nhờ có sự ủng hộ, giúp sức của gia đình, sự hỗ trợ của chính quyền nên mô hình phát triển khá thuận lợi”.
Không riêng anh Luật, hiện nay tại 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: chăn nuôi bò, heo, trồng chuối, tiêu, cau, sầu riêng, măng cụt, keo nguyên liệu… Tổng giá trị thu được từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại và chăn nuôi tại xã Tiên Lãnh bình quân mỗi năm hơn 80 tỷ đồng.
Tại xã Tiên Ngọc, trong 5 năm 2015 - 2020, toàn xã đã cải tạo, trồng mới hơn 240ha vườn, khai thác, trồng lại hơn 1.100ha rừng, tạo nguồn thu hơn 100 tỷ đồng.
Ông Võ Tấn Lạt - Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc cho biết: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và chăn nuôi đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ gần 19 triệu đồng năm 2015 lên hơn 39 triệu đồng năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm tương ứng từ hơn 27% xuống dưới 6% hiện nay”.
Các địa phương còn vận dụng cơ chế hỗ trợ của huyện và tỉnh, khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ đa dạng, phong phú. Riêng xã Tiên Lãnh, trong 5 năm (2015 - 2020) giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã tăng bình quân gần 60%/năm, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ hơn 8% năm 2015 xuống còn hơn 4,3% năm 2020”.
Chung tay xây dựng quê hương
Kinh tế phát triển là cơ sở để nhân dân 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc chung sức với địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nhân dân đã tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất trị giá hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa nhiều tuyến giao thông quan trọng.
Ông Võ Diệu, ở tại thôn 3, xã Tiên Lãnh, chia sẻ: “Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các tuyến giao thông tạo thuận lợi cho việc đi lại, thì không có lý do gì người dân chúng tôi không ủng hộ. Khi xã xây dựng tuyến đường bê tông về thôn 3, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất đai, cây cối để mở rộng mặt bằng theo yêu cầu”.
Không chỉ hiến đất, tài sản phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn, nhân dân còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, trồng hoa thay cỏ dại, bắt điện thắp sáng đường quê, chỉnh trang vườn, nhà, cổng ngõ theo hướng xanh, sạch, đẹp...
Đến nay, xã Tiên Ngọc đã đạt 11/19 tiêu chí NTM. Tiên Lãnh đạt 15/19 tiêu chí. Cả hai địa phương đều phấn đấu đạt xã NTM vào năm 2022 và xã NTM nâng cao vào năm 2025”.
Ông Lê Minh Sơn - Bí thư đảng ủy xã Tiên Lãnh cho biết: “Phát huy tinh thần chiến dịch “Vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc” năm xưa, chúng tôi đã vận động nhân dân tiếp nối truyền thống cha anh quyết tâm xây dựng thành công xã NTM theo hướng thực chất, bền vững”.
Tại Tiên Lãnh, vào thời điểm mở chiến dịch “Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc” (27.10.1961) nước sông Tranh dâng cao gây khó khăn cho việc hành quân vượt sông.
Đến tối 29.10, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, một đội ghe thuyền gồm 5 chiếc nhanh chóng được lập ra dưới sự chỉ huy của tay chèo điêu luyện Trịnh Thị Ngọc Lan (còn gọi là cô ba Sừng) đã vận chuyển bộ đội sang sông an toàn, bí mật...
Ngay sau khi áp bờ, quân ta chia làm hai mũi tiến công, hình thành thế gọng kiềm, bao vây áp sát. Binh lính Tổng đoàn dân vệ phát hiện, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Quân ta nổ súng truy kích đánh tan một trung đội dân vệ.
Bọn hội đồng xã bỏ trốn. Ta đốt cơ quan, làm chủ tình hình, trụ lại tại thôn 3 và thôn 4 chống địch phản kích, vận động quần chúng tham gia công tác cách mạng. Một mũi tiến công khác thừa thắng truy kích địch và giải phóng hoàn toàn xã Tiên Ngọc.