Khởi nghiệp cần chuẩn bị những gì?

NGUYỄN BÃO QUỐC (Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ) 18/10/2021 07:39

Gần đây, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của các bạn trẻ về việc vì sao phải khởi nghiệp và khởi nghiệp thì cần phải chuẩn bị những gì? Trong bài viết này, xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm sau nhiều năm khởi nghiệp của tôi, hy vọng sẽ cung cấp thêm cho các bạn nhiều góc nhìn trước khi khởi nghiệp.

Tác giả chia sẻ kinh nghiệp “Khởi nghiệp từ ý tưởng đến thực thi” tại Hội nghị Hội LHPN TP.Hội An. Ảnh: CTV
Tác giả chia sẻ kinh nghiệp “Khởi nghiệp từ ý tưởng đến thực thi” tại Hội nghị Hội LHPN TP.Hội An. Ảnh: CTV

Vì sao phải khởi nghiệp?

Vì một nền kinh tế đang có quá nhiều những vấn đề bạn cần giải quyết, từ ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, giáo dục sai phương pháp… đến các dịch vụ đáp ứng nhu cầu giao thương, kết nối cung cầu, khách hàng luôn cần những cái mới, những nhu cầu mới, phải có những người đáp ứng các nhu cầu đó.

Khi bạn khởi nghiệp, bạn hoàn toàn quyết định quỹ thời gian, cuộc sống của chính bản thân mình. Nếu bạn khởi nghiệp thành công, ngoài việc làm giàu cho chính bản thân, gia đình và xã hội, bạn còn tạo ra việc làm cho nhiều người và góp phần giải quyết kế sinh nhai, tạo an sinh xã hội, đó chính là góp phần tạo nên một xã hội phát triển. Nhưng nếu bạn khởi nghiệp thất bại, thì bạn sẽ học được nhiều hơn, trưởng thành nhanh hơn và sẽ đứng lên, làm lại mọi thứ một cách tốt hơn.

Điều kiện cần

Có rất nhiều thứ bạn cần phải chuẩn bị nhưng theo tôi, bạn cần có 3 thứ sau đây: TƯ DUY - KỸ NĂNG - CÔNG CỤ

Tư duy: Hãy tự hỏi mình “Vì sao bạn muốn khởi nghiệp?”, “Mục tiêu thật sự khi bạn bước ra khởi nghiệp là gì?”, có người nói kiếm tiền và làm giàu, có người trả lời tạo giá trị cho xã hội, cũng có người nói để thực hiện ước mơ có một doanh nghiệp... Dù nó là gì cũng đều đáng trân trọng, nhưng chúng ta cần có một lý do cân đo đong đếm được để đủ động lực, giúp ta vượt qua những khó khăn sắp tới. Mục tiêu không rõ ràng sẽ không giúp gì cho ta trên hành trình này cả.

Ví dụ bạn muốn làm giàu. Vậy thì bao nhiêu với bạn được gọi là giàu, có người cần 1 tỷ đồng, nhưng có người cần 10 tỷ đồng… Hãy rõ ràng mục tiêu thực sự của bạn. Có câu nói “Gieo suy nghĩ - gặt hành động”, để có những bước đi đúng, điều đầu tiên bạn cần phải có những suy nghĩ đúng. Cần tìm hiểu về thị trường, ngành, sản phẩm, dịch vụ bạn muốn kinh doanh, phân tích, lựa chọn thứ mình đam mê và thị trường đang cần.

Kỹ năng: Trước khi khởi nghiệp bạn cần phải học rất nhiều thứ, học cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ, học cách thức làm sao để triển khai, tiếp cận thị trường, rồi xây dựng các chiến lược Sales & marketing, chăm sóc khách hàng, kế toán, báo cáo tài chính, huy động vốn, quản lý nhân sự, xây dựng chuỗi cửa hàng… Tất cả đều phải học, nếu không học một cách nghiêm túc bạn sẽ phải trả giá rất đắt. Tham gia các hội nhóm về ngành, nghề, hoặc về phong trào khởi nghiệp, hội nhóm doanh nhân để tăng cường kết nối giao lưu. Tất cả đều cần kỹ năng.

Công cụ: Bạn cần phải học cách sử dụng công cụ để giúp bạn thực hiện công việc một cách nhanh hơn, ví dụ biết cách sử dụng máy tính, bảng tính excel, word, Powerpoint để trình bày ý tưởng, sử dụng bộ công cụ google drive để thực hiện các chiến dịch khảo sát thị trường, sử dụng ứng dụng CANVA để thiết kế hình ảnh cho sản phẩm, dịch vụ. Sử dụng mạng xã hội Facebook, Linkedin, Youtube, Instagram…. để marketing, PR cho sản phẩm, dịch vụ.

Điều kiện đủ

Sau khi có tư duy, kỹ năng, công cụ, bạn cần thêm những gì?

Vốn: Vốn để tạo sản phẩm, dịch vụ, tùy theo mức độ phức tạp của sản phẩm mà sẽ cần lượng vốn khác nhau, bạn cũng cần có ít tiền để đủ trang trải chi phí cơ bản trong vòng 6 tháng đến 1 năm khi khởi nghiệp.

Tìm những người cộng sự đồng hành: Bạn không thể làm hết mọi thứ, bạn không đủ giỏi để làm mọi việc cùng một lúc nên bạn cần phải tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Mục tiêu của tôi khi ra khởi nghiệp rất đơn giản: Năm 1 phải nuôi được chính mình, năm 2 phải nuôi thêm được 1 - 2 người nữa…

Đừng làm điều gì đó quá sức, nhiều người bạn của tôi khi bước ra khởi nghiệp tuyển rất nhiều nhân sự, dù công việc không nhiều đến thế, khi được hỏi thì kiểu như có nhiều người để cho người ta thấy công ty mình to, oai và cuối cùng dịch Covid đã đẩy lùi những người có tư duy như vậy. Họ không gồng nổi chi phí, chỉ cần mọi hoạt động kinh doanh đứng lại tầm 1 - 2 tháng là thấy toát mồ hôi rồi.

Xây dựng mô hình kinh doanh: Bạn sẽ không biết mình đi đâu, đi như thế nào nếu bạn không có một mô hình kinh doanh, điều quan trọng mà rất nhiều người khởi nghiệp lại bỏ qua. Thường giai đoạn đầu khởi nghiệp, bạn rất hưng phấn, cảm xúc luôn dạt dào nên bạn muốn mọi việc phải nhanh nhanh, gấp gấp…

Bạn chỉ có đúng một cơ hội duy nhất để tung sản phẩm một cách ấn tượng, nên hãy chuẩn bị thật kỹ, đừng để sai sót, hãy để khách hàng có cảm xúc tích cực về bạn, thương hiệu của bạn. Và những lần “tung sản phẩm” tiếp theo bạn sẽ nhận được sự đón nhận của khách hàng. Một trong những công cụ giúp tôi xây dựng mô hình kinh doanh đó là Business Model Canvas (bạn có thể tham khảo tại website: “www.bqtraining.edu.vn/tailieu”).

Lập kế hoạch kinh doanh: Người ta hay nói “Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”. Một bản kế hoạch kinh doanh sẽ là tấm bản đồ tuyệt vời để bạn biết mình cần phải đi đâu, làm gì trong khoảng thời gian sắp tới.

Một bản kế hoạch kinh doanh tốt sẽ giúp bạn hạn chế được rủi ro và giúp bạn có thêm cơ hội thành công hơn. Khi bước ra khởi nghiệp kinh doanh, thành lập công ty bạn cần phải xác định rõ “Tầm nhìn - sứ mệnh” của tổ chức là gì? Ước mơ phải đủ lớn thì mới có động lực cho cả tập thể cống hiến. Sau đó những “giá trị cốt lõi” nào. Bạn có thể tham khảo cách viết bản kế hoạch kinh doanh tại website: “www.bqtraining.edu.vn/blog-va-tin-tuc/”.

Và điều cuối cùng, là bạn cần phải hành động và hành động một cách mạnh mẽ. Kết quả chỉ được tạo ra khi bạn thực sự hành động.

NGUYỄN BÃO QUỐC (Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ)