Biến động hộ nghèo tập trung khu vực miền núi
Kế hoạch rà soát hộ nghèo năm 2021 được ấn định thực hiện từ ngày 15.9 đến ngày 15.11 tới và sẽ áp dụng theo 2 mức chuẩn của giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025. Biến động về tỷ lệ hộ nghèo được dự báo sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Vì thế, mục tiêu giảm nghèo của giai đoạn tiếp theo cũng sẽ ưu tiên ở khu vực này. Báo Quảng Nam Cuối tuần đã có các cuộc trao đổi với địa phương, sở ngành liên quan về vấn đề này.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thiếu nhân lực triển khai công việc
Việc rà soát được thực hiện theo 2 mức chuẩn, đảm bảo công khai, dân chủ, chính xác, trung thực, khách quan trong thực hiện quy trình rà soát. Từng tiêu chí phải được rà soát, đánh giá chính xác, đầy đủ để xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo; có sự tham gia của người dân và giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên.
Năm nay, ngoài rà soát định kỳ theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 thì phải rà soát theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Việc rà soát được thực hiện từ ngày 15.9, kết thúc vào ngày 15.11. Chuẩn này có sự thay đổi, với khu vực nông thôn, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm có việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản có 12 chỉ số, gồm việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Việc rà soát cùng lúc hai mức chuẩn nêu trên cũng là áp lực. Trước hết, Văn phòng Giảm nghèo tỉnh chưa được bổ sung nhân lực theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy ngày 4.5.2021 về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.
Vì thế, cấp tỉnh không đủ người trực tiếp hướng dẫn các địa phương, chỉ có thể hướng dẫn qua văn bản, quy trình. Tại miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạn chế về công nghệ thông tin, mạng internet yếu... ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Khi rà soát theo chuẩn mới, dự đoán tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh sẽ tăng, tập trung chủ yếu khu vực miền núi.
Dù khó khăn, toàn tỉnh cũng xác định tiến độ thực hiện việc rà soát như kế hoạch đã ban hành. Bởi dữ liệu về hộ nghèo, cận nghèo sẽ là căn cứ phục vụ xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, giải pháp giảm nghèo bền vững; tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Giai đoạn mới tập trung cho miền núi
Giai đoạn mới, ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sẽ cùng lúc có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện. Đó là chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây là cơ hội lớn nhằm tác động giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân. Riêng thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện.
Nghị quyết 88 tích hợp tất cả chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn từ trước đến nay thành chương trình lớn, tổng thể hơn, hạn chế chính sách nhỏ lẻ, chồng chéo.
Trong đó, tích hợp 10 dự án như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi vùng thiên tai sạt lở, lũ quét, rừng phòng hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đời sống người dân được đầu tư thông qua các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, giáo dục, y tế, bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Đối với Quảng Nam, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 3.566 tỷ đồng đầu tư cho miền núi theo Nghị quyết 88 để thực hiện 10 dự án đã nêu. Hiện nay, chương trình đang chờ Chính phủ phê duyệt, phân bổ nguồn vốn năm 2021 và năm 2022 cùng lúc vào cuối năm này.
Trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh có nhu cầu vốn là 583 tỷ đồng. Quảng Nam cũng đã có văn bản xin cơ chế được phân bổ từ nguồn vốn Trung ương, bởi năm 2020 thiên tai nặng nề ở khu vực miền núi, liên tục 2 năm 2020, 2021 ảnh hưởng dịch bệnh nên nguồn thu bị ảnh hưởng, ngân sách tỉnh chỉ cân đối từ 10 - 15% tổng nguồn vốn đầu tư.
Với Nghị quyết 88, chúng ta có quyền kỳ vọng đó là cơ hội tốt cho tỉnh để đầu tư tổng thể khu vực miền núi. Đây là chính sách có ý nghĩa nhân văn cao, bởi người thụ hưởng chính là vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng lúc thực hiện các chương trình sẽ tạo được lực đẩy mạnh, tạo cơ hội giảm nghèo bền vững đối với người dân ở miền núi.
Tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương phải đầu tư theo thứ tự ưu tiên đối với vùng thiên tai, sạt lở, lũ quét để ổn định đời sống người dân. Khi sắp xếp dân cư ổn định, giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thì sẽ giải quyết được những vấn đề an sinh xã hội đi theo sau đó.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng
Cuối năm 2020, huyện Tây Giang có 1.809 hộ nghèo. Chuẩn nghèo mới với mức thu nhập chuẩn nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Trong khi đó, chuẩn cũ về hộ nghèo theo quy định giai đoạn 2016 - 2020 là có thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Với mức thu nhập tăng lên như trên, dự báo tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 được rà soát hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng cao.
Công tác rà soát sẽ gặp khó khăn ở khu vực miền núi, bởi những rào cản về nhân lực rà soát cũng như hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu. Cụ thể, rà soát 2 chuẩn cùng một lúc nên gặp khó trong thời gian đầu triển khai.
Một số thôn, bản chưa có sóng 3G, điện lưới không ổn định nên phải in trước các biểu mẫu, phụ lục ở xã để đi rà soát, sau đó về mới nhập vào phần mềm mất nhiều thời gian.
Dù quyết tâm cao nhưng với nhiều khó khăn khách quan do hậu quả bão lũ năm 2020, người lao động mất việc làm về lại địa phương do dịch bệnh... sẽ cùng lúc tác động khiến tỷ lệ hộ nghèo của Tây Giang năm 2021 khó giảm. Bên cạnh đó, việc áp dụng chuẩn mới thì hộ nghèo cũng sẽ tăng thêm. Vì vậy, giảm nghèo tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó đối với Tây Giang trong năm 2022.