Dân vận khơi dậy sức mạnh nội sinh

V.ANH - H.SẤU - M.ĐỨC 17/10/2021 06:51

Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Quảng Nam trong những năm qua cơ bản ổn định mặc dù phải đối diện không ít khó khăn, thử thách. Sự ổn định đó, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai của hệ thống chính trị, phải kể đến tác động của công tác dân vận và sức mạnh nội sinh từ tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân. Và khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, thiên tai rình rập, hơn lúc nào hết công tác dân vận cần phải đặt lên hàng đầu.

Trong xây dựng nông thôn mới, công tác dân vận để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Trong ảnh: Làng mộc Văn Hà (Tam Thành - Phú Ninh). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trong xây dựng nông thôn mới, công tác dân vận để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Trong ảnh: Làng mộc Văn Hà (Tam Thành - Phú Ninh). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đề ra nhiệm vụ quan trọng cho công tác dân vận, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân.

Qua hơn một năm triển khai nghị quyết đại hội, bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá công tác dân vận đã có bước chuyển và đóng góp quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. 

Theo bà Dung, đầu tiên phải nói đến sự lãnh đạo, định hướng đúng và sát với tình hình thực tế của Đảng bộ tỉnh đối với công tác dân vận. Nhất là việc xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc kết hợp lãnh đạo thực hiện quy chế công tác dân vận và quy chế dân chủ cơ sở.

Các cấp, ngành, địa phương đã bám sát phương châm lãnh đạo công tác dân vận là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa dân và có trách nhiệm với nhân dân. Lấy niềm tin, sự hài lòng, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu trong thực hiện công vụ”. Đồng thời cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và thụ hưởng”.

Chính sự kết hợp này đã từng bước đáp ứng, tiến đến thực hiện 2 mục tiêu của từng đơn vị là thực hiện tốt nhiệm vụ và thể hiện trách nhiệm với nhân dân. Kết hợp hài hòa những yếu tố này có thể xem là giải pháp mềm để chúng ta tăng đồng thuận xã hội, gắn kết, thắt chặt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể với nhân dân, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất mà mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII đề ra.

* Bà có chia sẻ gì về vai trò của công tác dân vận chính quyền, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu?

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung: Vấn đề này đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công trong công tác dân vận. Bởi lẽ đây là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến mọi khía cạnh của đời sống, quyền, lợi ích, niềm tin của nhân dân. Cùng hệ thống chính trị, công tác dân vận chính quyền đã được người đứng đầu các cấp trong tỉnh quan tâm chú trọng.

Điểm sáng nhất trong năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp là chính quyền các cấp đã lãnh đạo thực hiện mục tiêu kép: vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi hậu quả thiên tai, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VINH ANH
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VINH ANH

Các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đạt hiệu quả cao, nhất là thu ngân sách. Tỉnh không chỉ giải quyết công tác phòng chống dịch trên phạm vi địa bàn mà luôn mở rộng vòng tay yêu thương chào đón công dân của mình trở về quê hương an toàn.

Trong công tác dân vận, tôi nhận thấy việc bám sát cơ sở của người đứng đầu chính quyền các cấp đã tạo hiệu ứng rất tích cực. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở có mặt kịp thời ở “điểm nóng” để thăm hỏi, động viên người dân và chỉ đạo giải quyết bức xúc về tái định cư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, đối thoại nhân dân… đã tạo cảm hứng, niềm tin cho cán bộ công chức hành động làm theo, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm.

* Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nội dung được khối dân vận các cấp triển khai thường xuyên liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Dấu ấn nổi bật dễ thấy nhất là trong xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng nhường đất cho các dự án, phát triển đô thị... Bà nhìn nhận như thế nào về điều này?

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung: Năm 2021 Quảng Nam đối diện nhiều khó khăn thách thức, vừa phải khắc phục thiên tai lũ lụt, vừa phòng chống dịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội… Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã bám sát các mục tiêu, định hướng quan trọng của tỉnh gắn với tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra. Dấu ấn rõ nhất thể hiện ở nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” hướng vào mục tiêu vận động, tuyên truyền thuyết phục nhân dân bằng các hình thức mềm dẻo, linh hoạt, được nhân dân tin tưởng, đồng thuận. Đi cùng là đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết thấu đáo, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Nhờ đó người dân tin tưởng, đồng thuận bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho nhiều dự án triển khai hiệu quả.

Trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, vai trò vào cuộc của hệ thống chính trị rất lớn. Đặc biệt là những hình ảnh đẹp, sự hy sinh thầm lặng của những lực lượng tuyến đầu đã để lại tình cảm, dấu ấn rất tốt đẹp trong nhân dân. Từ đó tạo cho nhân dân động lực, trách nhiệm, thôi thúc họ đồng hành để chung tay vượt qua đại dịch này.

CHIA SẺ VỚI NGƯỜI DÂN VÙNG BIỂN

Phụ trách địa bàn vùng ven biển Tam Kỳ, Núi Thành, thời gian qua Đồn Biên phòng Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đảm bảo an ninh, an toàn và chia sẻ khó khăn với nhân dân địa phương.

Đại úy Trịnh Văn Đức (Đồn Biên phòng Tam Thanh - Tam Kỳ) chia sẻ với em TRANG 4-5 Nguyễn Ngọc Phước về kiến thức xã hội trong bài tập về nhà. Ảnh: H.QUANG
Đại úy Trịnh Văn Đức (Đồn Biên phòng Tam Thanh - Tam Kỳ) chia sẻ với em Nguyễn Ngọc Phước về kiến thức xã hội trong bài tập về nhà. Ảnh: H.QUANG

Trong căn phòng ngăn nắp với giường đơn, tủ... đúng kiểu quân nhân tại Đồn Biên phòng Tam Thanh, có thêm chồng sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông đặt trên chiếc bàn con cạnh cửa sổ. Đó là góc học tập của Nguyễn Ngọc Phước (học sinh lớp 11/5, Trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ). Phước là con nuôi của đồn biên phòng, cùng sinh hoạt với cán bộ chiến sĩ tại đơn vị.

Phước kể: “Em ở đây từ năm lớp 9 nên quen với nhịp sống của các chú bộ đội. Sáng em thức dậy 5 giờ, tập thể dục, ăn cơm, chào cờ, đọc báo... cùng các chú rồi mới lên phòng học bài. Các chú thường xuyên kèm cặp, nhắc nhở, động viên..., xem em như con cháu trong gia đình mình”.

Đại úy Trịnh Văn Đức - Chính trị viên phó kiêm Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết, Phước quê ở thôn Tân Lộc Ngọc, xã Tam Tiến (Núi Thành), hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ bỏ đi khi em còn nhỏ, cha mù lòa, phải sống nương tựa vào ông bà nội. Đơn vị nhận nuôi em vì muốn góp sức với gia đình, tạo điều kiện để em tiếp tục việc học.

Cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường” thì mô hình “Con nuôi biên phòng” được đơn vị triển khai từ nhiều năm nay. Đồn Biên phòng Tam Thanh là đơn vị đầu tiên ở vùng ven biển triển khai mô hình này. Hiện đơn vị “nâng bước” cho 4 học sinh và nhận 1 con nuôi.

“Chúng tôi xem Phước như chiến sĩ nhí ở đơn vị. Phước rất ngoan, siêng học. Giờ lớn rồi, đi học cấp ba ở Tam Kỳ nên anh em không còn kèm em học bài nhưng vẫn quan tâm bảo ban, chia sẻ. Chúng tôi hỗ trợ phương tiện cho em đi học và liên hệ với các thầy cô cho em học thêm miễn phí, mỗi tháng còn chu cấp ít tiền để em tiêu vặt” - Đại úy Trịnh Văn Đức nói.

Chia sẻ, giúp đỡ học sinh khó khăn bằng các hình thức thiết thực là một trong nhiều nhiệm vụ dân vận mà Đồn Biên phòng Tam Thanh thực hiện tại địa phương. Theo Thiếu tá Trần Văn Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh, phụ trách địa bàn vùng ven biển với đặc thù là nơi chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đơn vị rất quan tâm chia sẻ với địa phương trong công tác an sinh xã hội.

Đội vận động quần chúng của đơn vị gồm 4 cán bộ chuyên trách, thời gian qua đã bám sát địa bàn, triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Nổi bật là công tác tuyên truyền nhân dân chấp hành pháp luật về biển đảo, khai thác thủy hải sản đúng quy định.

Cùng với các địa phương, đơn vị tham mưu xây dựng nhiều tổ đoàn kết sản xuất trên biển với hàng trăm phương tiện, thường xuyên hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy chế và khuyến khích tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi sản xuất trên biển. Đơn vị thường xuyên vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

“Rất vui mừng là qua công tác dân vận, người dân đã tin tưởng và hợp tác tốt với cán bộ chiến sĩ đơn vị. Có trường hợp không chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, trước khi Nhà nước tiến hành các bước cưỡng chế thì anh em đơn vị đến vận động, bà con đồng thuận chấp hành...

Hiện mùa mưa bão bắt đầu, đơn vị đang vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn và lên các phương án hỗ trợ trong các tình huống xảy ra thiên tai” - Thiếu tá Trần Văn Hùng cho biết.

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG ĐẨY LUI DỊCH BỆNH

Dù chịu tác động nặng nề nhưng các địa phương trên địa bàn tỉnh đều cơ bản khống chế dịch Covid-19, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Điều này có sự góp sức không nhỏ của công tác dân vận, bởi ý thức và sự chung tay từ cộng đồng sẽ giúp kiểm soát dịch hiệu quả nhất.

Nhiều “phiên chợ 0 đồng” liên tiếp diễn ra tại Hội An làm ấm lòng người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: H.S
Nhiều “phiên chợ 0 đồng” liên tiếp diễn ra tại Hội An làm ấm lòng người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: H.S

Tuyên truyền đi liền vận động

Hội An và Điện Bàn chịu ảnh hưởng dai dẳng nhất của dịch Covid-19 khiến đời sống nhân dân gặp khó khăn bộn bề trong hai năm qua. Trong bối cảnh đó, việc vận động người dân tuân thủ các quy tắc phòng dịch để giữ vững thành quả chống dịch là điều không dễ dàng.

Ông Phan Ngọc Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã, Trưởng ban Dân vận Thị ủy Điện Bàn cho hay: “Mặc dù Điện Bàn tập trung đông công nhân, người lao động tứ xứ nhưng về cơ bản cả cộng đồng đều có ý thức tốt trong việc phòng chống dịch.

Chúng tôi luôn quán triệt các cấp dân vận phải tuyên truyền đi liền vận động. Dân vận từ cơ sở phải nắm bắt tâm tư, khó khăn của người dân từ đó kịp thời kết nối hỗ trợ, tháo gỡ để người dân yên tâm tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch”.

Vừa qua, từ quỹ phòng chống dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn đã hỗ trợ 1.220 suất quà (500 nghìn đồng/suất) và gần 1.000 thùng mì tôm để động viên các trường hợp khó khăn.

Tại Hội An, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Hải đội 2 (Biên phòng Quảng Nam) cũng thăm và tặng 70 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch tại 2 phường Cửa Đại và Cẩm An, cùng với đó là hàng nghìn suất quà khác cho người dân từ các cấp chức năng thành phố vận động được.

Ông Phan Ngọc Hải chia sẻ: “Dân vận phòng chống dịch Covid-19 rất cần kịp thời, linh hoạt bởi sự phức tạp của tình hình. Phải làm sao cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm thì mới sớm dập dịch được”.

Các cấp chính quyền và cộng đồng Hội An chung tay tham gia chương trình “Bếp yêu thương” để san sẻ với các trường hợp khó khăn. Ảnh: H.S
Các cấp chính quyền và cộng đồng Hội An chung tay tham gia chương trình “Bếp yêu thương” để san sẻ với các trường hợp khó khăn. Ảnh: H.S

Tại Điện Bàn và Hội An, những mô hình sáng tạo, hiệu quả từ các cấp đoàn thể ở cơ sở đã tạo ra niềm tin lớn nơi người dân. Có thể kể đến các mô hình “shipper xanh” của đoàn viên thanh niên đi chợ giúp dân; chia sẻ thực phẩm cho công nhân, sinh viên mắc kẹt; hỗ trợ “giải cứu” nông sản, thực phẩm cho nông dân gặp khó khăn trong vận chuyển tiêu thụ… Chính từ những hoạt động gắn mật thiết đến đời sống của người dân đã giúp cộng đồng nhận thấy từng cá nhân càng phải gắn bó, chung tay để cùng chính quyền dập dịch.

Dân đồng cảm, dân sẻ chia

Dịch bệnh khiến nhiều hoạt động bị “tắc nghẽn”, nhưng “Bếp yêu thương” và các “chợ phiên 0 đồng” ở Hội An thì diễn ra xuyên suốt để san sớt nhọc nhằn của người dân. Chỉ trong khoảng 3 tuần (từ 27.7 đến 16.8.2021), qua nỗ lực của công tác dân vận, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và cả du khách nước ngoài đã xắn tay cùng cơ quan chức năng nấu hơn 14 nghìn suất ăn trị giá khoảng 1 tỷ đồng cho các khu cách ly tập trung và chốt kiểm soát dịch. 

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hội An cho hay, nhiều “phiên chợ 0 đồng” liên tiếp mở ra từ cấp thành phố đến các xã, phường đã làm ấm lòng người dân trong thời điểm đầy khó khăn này. Qua mỗi chợ phiên, những người có điều kiện lại chung tay góp sức để các chợ phiên sau đó lại tiếp nối nhau ra đời.

Dịch giã bủa vây, ai rồi cũng khó. Thế nhưng, trong đợt dịch bùng phát dữ dội vừa rồi, người dân Điện Bàn đã gói ghém ân tình gửi khoảng 110 tấn lương thực, thực phẩm (chiếm gần 1/3 lượng hàng trên toàn tỉnh) đến đồng bào ở TP.Hồ Chí Minh. Rồi hàng chục tấn nông sản khác từ người dân Hội An, Điện Bàn trao đến những nơi dịch bệnh hoành hành dữ dội hơn. Ở chiều ngược lại, người dân huyện Tây Giang, người dân xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng gửi cho Hội An 2 tấn rau củ quả, tô đẹp nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.

VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TẠI XÃ TAM THĂNG: KHUYẾN KHÍCH TINH THẦN TỰ NGUYỆN

Xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) là vùng đất công nghiệp với rất nhiều dự án đầu tư, thu hút hàng nghìn lao động. Vận động nhân dân đồng thuận, khuyến khích tinh thần tự nguyện trong công tác giải phóng mặt bằng được xem là thành quả nổi bật của địa phương.

Tuyến ĐX3 qua xã Tam Thăng (Tp. Tam Kỳ) vừa được xây dựng khang trang nhờ tinh thần tự nguyện hiến đất của nhân dân. Ảnh: M.ĐỨC
Tuyến ĐX3 qua xã Tam Thăng (Tp. Tam Kỳ) vừa được xây dựng khang trang nhờ tinh thần tự nguyện hiến đất của nhân dân. Ảnh: M.ĐỨC

Vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông ở Tam Thăng được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Ngoài các trục chính kết nối với quốc lộ, đường ven biển... thì các tuyến liên xã, liên thôn cũng được xây dựng đồng bộ. Như tuyến ĐX3 qua Tam Thăng, An Phú, Tam Phú (Tam Kỳ) dài khoảng 1km vừa được đầu tư, góp phần tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi.

Điều đặc biệt là tuyến đường này được xây dựng chủ yếu từ tinh thần tự nguyện hiến đất của nhân dân. Để mở rộng bề mặt đường từ 3m lên 7m như hiện tại, không ít hộ dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc.

Ông Trịnh Huy Cường (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng) cho biết: “Khi cán bộ xã xuống vận động mở đường, bà con quanh đây hưởng ứng ngay vì đó cũng là mong mỏi của chúng tôi. Gia đình tôi hiến 40m2 đất, dời tường rào cổng ngõ để mở đường và chừa nơi trồng hoa dọc chân hàng rào”.

Theo ông Châu Thanh Phong - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng, địa phương có rất nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là tại 2 khu công nghiệp Tam Thăng 1, Tam Thăng 2 nên công tác vận động nhân dân giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Tổng diện tích dành cho các khu công nghiệp là 300ha với khoảng 1 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng đất đai, nhà ở, nhưng công tác giải phóng mặt bằng không gặp vướng mắc đáng kể, đặc biệt là không có trường hợp nào khiếu kiện.

Hiện còn 60 mồ mả chưa di dời, trong đó có 20 mồ mả người dân chưa đồng thuận vì cho rằng thời gian chôn cất chưa lâu. Dự án sinh thái sông Đầm đang triển khai tại 2 thôn Vĩnh Bình, Thăng Tân cũng ảnh hưởng đến 200 hộ.

Địa phương vận động nhân dân hiến đất sản xuất nông nghiệp và mặt nước với tổng diện tích 50ha và người dân đã đồng thuận, bàn giao mặt bằng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2022, tạo động lực và sinh kế mới cho người dân.

Công tác giải phóng mặt bằng ở Tam Thăng gặp nhiều thuận lợi là nhờ địa phương biết phát huy tinh thần tự nguyện của nhân dân, tạo sự đồng thuận qua các cuộc vận động ở cơ sở. Ông Châu Thanh Phong cho biết, địa phương thành lập 2 tổ dân vận, mỗi tổ gồm 7 thành viên, do bí thư và phó bí thư phụ trách.

“Chúng tôi thường xuyên đến các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án để nắm bắt nguyện vọng của bà con, giải thích cặn kẽ các vướng mắc phát sinh đồng thời tuyên truyền để nhân dân thấy được lợi ích lâu dài trong phát triển kinh tế địa phương nên tạo được sự đồng thuận cao...” - ông Phong nói.

V.ANH - H.SẤU - M.ĐỨC