Giải ngân vốn đầu tư công 2021: Nhiệm vụ bất khả thi
Sẽ không thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 trong ba tháng còn lại của năm khi tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 52,2% và còn quá nhiều dự án không thể giải ngân được đồng nào.
Bức tranh giải ngân ảm đạm
Vướng giải phóng mặt bằng, di dân, thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ kéo dài, chờ ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ (vốn nước ngoài)… tiếp tục được các chủ đầu tư, địa phương viện dẫn cho tỷ lệ giải ngân thấp. Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy (ngày 27.8.2021) đã gia tăng sức ép giải ngân.
Các cuộc làm việc trực tiếp với 12 đơn vị (4 sở, ban, ngành và 8 UBND cấp huyện) có tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước năm 2021 đã kéo tổng vốn giải ngân từ 3.004 tỷ đồng (cuối tháng 8) lên 3.843 tỷ đồng vào cuối tháng 9.2021.
Số vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế tăng 839 tỷ đồng đã tăng tỷ lệ giải ngân từ 41,8% (31.8.2021) lên 52,2% (30.9.2021). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này cũng không thể đạt tiến độ 60% như Chính phủ yêu cầu.
Thống kê đến ngày 30.9.2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của các dự án do địa phương quản lý chỉ đạt 50,6% so với kế hoạch vốn giao đầu năm, đạt 52,2% so với tổng kế hoạch vốn sau khi điều chỉnh.
Các phân tích cho thấy, vốn ngân sách trung ương đạt 48,6%, vốn ngân sách địa phương đạt 53,6%. Kế hoạch vốn năm 2021 giải ngân khoảng 49,7% và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài giải ngân khá hơn chút ít, khoảng 57,6%.
Hiện vẫn còn 7 huyện, thị giải ngân dưới 60%. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố hiện có 57 dự án do các ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư giải ngân dưới 60% (15 dự án giải ngân 0%), 61 dự án sử dụng kế hoạch vốn năm 2021 giải ngân dưới 60% (27 dự án không giải ngân được đồng nào).
Hàng loạt dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 10%) đã được nêu tên. Tỷ lệ giải ngân 0% có thể kể đến là tuyến ĐH1 đoạn Phước Kim – Phước Thành, nâng cấp mở rộng nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, đường nội thị trung tâm huyện Nông Sơn, bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đến năm 2020, cấp điện nông thôn Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020.
Không chỉ các dự án miền núi gặp khó, mà ngay cả dự án ở đồng bằng hay ven biển cũng ì ạch giải ngân. Đó là dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, giai đoạn 2 (2,8%); khu tái định cư di dời khẩn cấp vùng sạt lở các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Hương An (3%); củng cố, nâng cấp tuyến đê ngăn mặn Bình Dương, Bình Hải, Bình Đào (5,6%)…
Ông Trương Văn Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết tỷ lệ giải ngân của địa phương đã tăng lên 33%. Trong vòng 9 tháng, đã phải giải quyết đến 113 phương án bồi thường, thu hồi đất. Khối lượng lớn như vậy khiến cơ quan thẩm định quá tải. Không có cách gì để giải ngân 100% vốn khi 9 tháng qua mới 33%. Huyện này thống nhất chủ trương dự án nào không giải ngân được thì cắt. Không nên giữ lại làm gì vì đằng nào cũng là tiền nhà nước, cần phải đổ vào nền kinh tế hiệu quả.
Sẽ phải cắt vốn
Nhiều chủ đầu tư, địa phương cam kết sẽ cố gắng xử lý dứt điểm các điểm nghẽn để đẩy tỷ lệ giải ngân đến mức tốt nhất có thể. Theo Sở KH&ĐT, từ ngày 1.7.2021 đến nay đã điều chuyển hơn 1.081 tỷ đồng vốn đầu tư năm 2021, bao gồm: vốn ngân sách trung ương gần 295 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 786 tỷ đồng.
Số vốn nước ngoài ngân sách vay lại đã cắt giảm gần 519 tỷ đồng. Hiện sở này tiếp tục rà soát, điều chuyển, cắt giảm và nộp trả kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đến ngày 31.1.2022 không có khả năng giải ngân hết.
Sở KH&ĐT dự kiến giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 kéo dài sẽ đạt đến 99,2% (vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 100% và vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 98,8%). Song, thời hạn chỉ còn 3 tháng, đang gặp bất lợi về thời tiết và các số thống kê thực tế cho thấy quyết tâm chính trị đến mấy cũng không thể giải ngân đến 95 - 100% vào cuối năm nay.
Hàng trăm dự án, công trình lớn nhỏ phân bố khắp huyện thị đã biến Quảng Nam thành một đại công trường. Chuyện tiêu không hết vốn đầu tư (dù có nhiều nguyên nhân) đã được dự báo trước.
Sở KH&ĐT cho hay sau ngày 30.9.2021, tất cả dự án có tỷ lệ giải ngân thấp so tỷ lệ quy định từng thời điểm và dự án còn kế hoạch vốn nhưng không có khả năng giải ngân hết trong năm 2021 sẽ tiếp tục được rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói hiện vẫn còn quá nhiều dự án chưa ký hợp đồng thi công. Một số dự án chưa có chủ trương đầu tư thì làm sao giải ngân được. Chính quyền yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chủ động điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn.
Các dự án trước ngày 30.10.2021 chưa đấu thầu sẽ phải bị cắt vốn. Việc chuyển trả vốn nước ngoài tỉnh vay lại không có vấn đề gì thì trái lại chuyển vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát cho tỉnh đồng nghĩa với việc địa phương mất đi một khoản vốn trong khi ngân sách địa phương dành cho đầu tư công ngày càng ít đi. Nhưng trước tình trạng không thể giải ngân hết vốn, các địa phương không còn cách nào khác buộc phải chấp nhận, “thống nhất” việc cắt giảm vốn.