Gắn du lịch với tổng thể phát triển
Tăng cường mối quan hệ tương tác giữa du lịch với tổng thể nền kinh tế, đồng thời tích cực sáng tạo để tạo ra giá trị gia tăng trong các chuỗi sản phẩm dựa trên nền tảng bản địa là xu thế tất yếu trong giai đoạn hậu dịch bệnh để ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.
Sinh lợi từ giá trị gia tăng
Ông Lê Nhương - thành viên Hợp tác xã Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (Cẩm Thanh, Hội An) chia sẻ: “Ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, trung bình hàng tháng mỗi hộ thành viên thu nhập được khoảng 3 triệu đồng từ việc bán sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó chúng tôi còn có thêm nguồn thu đáng kể từ hoạt động trải nghiệm của du khách cũng như hướng dẫn du khách tham quan các tour tuyến lân cận”.
Tương tự, ở một số mô hình khác như làng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An), làng gốm Thanh Hà (Thanh Hà, Hội An), làng dệt thổ cẩm Zara (Tà Bhing, Nam Giang)… người làm du lịch cũng có thời gian dài kiếm được nguồn thu nhập “kép” từ việc bán sản phẩm và bán tour trải nghiệm văn hóa bản địa.
Không chỉ với các điểm đến, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Qua theo dõi của chúng tôi, những đơn vị nào làm du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm ở Hội An thì phần giá trị gia tăng trong sản phẩm là rất lớn. Thay vì chỉ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đơn thuần, chúng ta có thể nghiên cứu lồng ghép thêm giá trị trải nghiệm văn hóa hoặc thiên nhiên thì nguồn lợi thu được tăng lên rất nhiều mà lại phù hợp với xu hướng phát triển du lịch bền vững”.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, giá trị bản địa của Quảng Nam rất phong phú, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo và dùng công nghệ lan tỏa thì ngành du lịch sẽ có nhiều thay đổi.
Với góc nhìn như vậy, sản phẩm du lịch của địa phương sẽ rất phong phú và có thể tạo ra hàng ngày. Đơn cử, một bữa ăn dưới gốc đa cổ thụ, nó không đơn thuần là bữa ăn mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử…
Trước đây, các đơn vị du lịch Quảng Nam có lợi thế lớn để xây dựng, phát triển sản phẩm dạng này bởi thị trường khách truyền thống châu Âu, Úc, Mỹ… rất ưa chuộng vì chứa nhiều hàm lượng trải nghiệm mang đặc trưng bản địa.
Gần đây, một số điểm đến phía Nam hay vùng Tây của tỉnh cũng bước đầu thiết kế các sản phẩm mới gắn với văn hóa bản địa với mong muốn tạo ra giá trị gia tăng trong các sản phẩm du lịch.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, sản phẩm ở các khu vực này cần sự khác biệt so với Hội An, bởi nếu cũng “cánh đồng”, “con trâu”… như Hội An thì rất khó có thể thuyết phục khách trải nghiệm.
Xây dựng nền tảng bằng chuỗi giá trị
Một điểm yếu được nhìn nhận lâu nay của du lịch Hội An là thiếu sản phẩm đặc trưng để cung cấp các dịch vụ ẩm thực, quà lưu niệm… cho du khách.
Bà Trịnh Diễm Vy - Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An cho rằng, các cơ quan chức năng cần đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp nếu muốn thúc đẩy du lịch phát triển, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích những nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có kế hoạch bài bản, lộ trình khoa học.
“Quảng Nam có diện tích đất nông nghiệp nhiều nhưng sản phẩm nông nghiệp khá nghèo nàn và hầu như chưa có sản phẩm mang tính chiến lược. Ngành ẩm thực du lịch rất cần nguồn nguyên liệu giá trị từ nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm đẳng cấp cao” - bà Vy nói.
Theo lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn HANN (Cụm công nghiệp Thanh Hà, Hội An), một số sản phẩm nông sản, dược liệu tại địa phương có tiềm năng lớn để phát triển thành các sản phẩm phục vụ du lịch tuy nhiên vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống và chưa được chế biến sâu. Trong 5 năm tới, đơn vị sẽ cố gắng liên kết sản xuất giúp các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn ISO, có thương hiệu để đưa ra thị trường phục vụ du khách.
Cải thiện được vấn đề trên cũng sẽ giải quyết phần nào bài toán phát triển du lịch bền vững. Là đô thị có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, trong giai đoạn 2018 - 2020, Hội An đã xây dựng được 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị bao gồm: chuỗi sản phẩm rau hữu cơ Cẩm Thanh, chuỗi giá trị rau VietGap Trà Quế, chuỗi giá trị chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Cẩm Kim, chuỗi giá trị gắn khai thác với tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng Cù Lao Chàm và sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Thanh Tây, Cẩm Châu gắn với chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ ở các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Lan tỏa 5 chuỗi giá trị này không đơn thuần ở việc phát triển nông nghiệp bền vững mà Hội An đã tính toán phương án sản xuất gắn bó chặt chẽ với hoạt động du lịch tại các khu vực này với các sản phẩm được kỳ vọng tạo ra ấn tượng với du khách như trà rừng, trà thảo mộc, nước uống nha đam…
Theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, do tác động của đại dịch Covid-19 nên 1 chuỗi giá trị hiện phải tạm dừng kinh doanh còn 4 chuỗi khác vẫn đang duy trì sản xuất.
Chuỗi sản phẩm của các dự án này chủ yếu hướng đến phục vụ khách du lịch nên thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Mặc dù vậy, về lâu dài đây chính là một trong các nền tảng để tạo ra thêm sản phẩm hấp dẫn, điểm nhấn mới phục vụ ngành du lịch.
Ngoài đại dịch Covid-19, trong tương lai, ngành du lịch hoàn toàn có thể đối mặt với các rủi ro phi truyền thống khác, và ngành du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong tương quan các ngành kinh tế khác để chủ động ứng phó hơn một khi sự cố, thách thức xảy đến.
Ông Phan Xuân Thanh cho rằng, các bên liên quan cần phân tích quan hệ giữa việc xây dựng và cơ cấu lại ngành du lịch. Trong đó, nhìn nhận mối quan hệ, tương tác giữa ngành du lịch với nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… để mở rộng tài nguyên sản phẩm du lịch và có cái nhìn tổng thể hơn về tác động ngành du lịch với xã hội.
Một trong những giải pháp tăng cường sự kết nối giữa các nhóm ngành dễ nhận thấy trước mắt nên chăng lồng ghép nguồn sự nghiệp khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, sự nghiệp thương mại, khoa học công nghệ… để hỗ trợ cho các chuỗi phát triển sản xuất kinh doanh ở nông thôn, trong đó ưu tiên dự án với mục đích phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.