Hiệu quả từ chương trình tài chính vi mô

NGUYỄN HƯNG 07/10/2021 06:48

Từ năm 2011 đến nay, Chương trình tài chính vi mô (TCVM) thuộc Tổ chức Tầm nhìn thế giới đóng trên địa bàn huyện Tiên Phước đã giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp, hộ có trẻ dễ bị tổn thương vươn lên phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Bà Trần Thị Duyên sử dụng nguồn vốn vay từ Chương trình tài chính vi mô về mở quầy bán trái cây tại chợ xã. Ảnh: N.HƯNG
Bà Trần Thị Duyên sử dụng nguồn vốn vay từ Chương trình tài chính vi mô về mở quầy bán trái cây tại chợ xã. Ảnh: N.HƯNG

Đồng hành với người nghèo

Hơn 10 năm trước hộ bà Trần Thị Duyên (thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu) thuộc diện khó khăn, tai ương liên tiếp ập đến gia đình. Hội LHPN xã Tiên Châu đã giới thiệu bà vay 8 triệu đồng từ Chương trình TCVM về xây chuồng trại chăn nuôi heo. Từ đó đến nay, bà Duyên lần lượt vay từ chương trình lên đến 100 triệu đồng.

Có được nguồn vốn, cùng với sự cần cù chịu khó trong làm ăn, cuộc sống gia đình dần ổn định. Ngoài nuôi heo, bà Duyên còn thuê người trồng khoảng 10ha keo lai và cải tạo khu vườn trồng cây ăn quả, đồng thời mở thêm quầy bán trái cây tại chợ xã Tiên Châu.

“Trước kia gia đình tôi khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay từ Chương trình TCVM đầu tư chăn nuôi, làm vườn, rừng đời sống của gia đình dần dần ổn định hơn” - bà Duyên chia sẻ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Kim Tuyết (thôn 1, xã Tiên Cảnh) cũng thuộc diện khó khăn, chồng mất sớm, một mình bà phải nuôi 6 người con. Tiếp cận được nguồn vốn vay từ Chương trình TCVM, bà Tuyết về xây dựng chuồng và nuôi thả heo. Trung bình mỗi năm gia đình đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng từ việc chăn nuôi heo. Ngoài ra, bà Tuyết cũng nuôi gà, vịt và trồng 40 cây thanh trà, tăng thêm nguồn thu cho gia đình.

Bà Tuyết chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay mà cả gia đình tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế, sửa chữa được nhà cửa, ổn định cuộc sống. Điều kiện vay vốn của Chương trình TCVM không cần phải có tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, lại không phải trả gốc và lãi một lần, mà được chia nhỏ để trả theo tháng; khi vay vốn nếu không may đau ốm hoặc gặp hoạn nạn, thì có cơ chế hỗ trợ”. 

Nâng cao hiệu quả vốn vay

Những năm qua, Chương trình TCVM trên địa bàn xã Tiên Châu hoạt động khá hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo, yếu thế, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội. Tổng nguồn vốn giải ngân trên địa bàn xã đến nay gần 12 tỷ đồng, với 800 lượt vay.

 

Tại xã Tiên Cảnh, riêng trong năm 2021 Chương trình TCVM đã cung cấp vốn cho 361 lượt vay với số tiền 7 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn cho vay từ năm 2011 đến nay gần 37,5 tỷ đồng, với hơn 2.900 lượt vay. Cùng với việc được vay vốn phát triển sản xuất, các hộ nghèo, hộ khó khăn còn được tập huấn kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh nói: “Tiên Cảnh là một trong những địa phương có số lượng người vay vốn từ Chương trình TCVM lớn nhất huyện, đa phần người dân sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay như đầu tư chăn nuôi heo, trồng rừng, sửa chữa nhà ở… Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần chung tay xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”.

Trong 11 năm qua, Chương trình TCVM đã giúp hàng nghìn phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ yếu thế ở huyện Tiên Phước vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị em không chỉ được vay vốn làm kinh tế với lãi suất thấp mà còn được hướng dẫn cách tiết kiệm tín dụng, làm kinh tế cải thiện thu nhập. Hiện Chương trình TCVM triển khai tại 13 xã, thị trấn với 46 thôn có cụm vay. Nguồn vốn được giải ngân gần 149 tỷ đồng, với gần 11.300 lượt món vay, tỷ lệ hoàn trả 99,89%.

Ông Phan Văn Hạnh - Trưởng chi nhánh Chương trình TCVM thuộc Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Tiên Phước cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục truyền thông rộng rãi để mọi người dân dễ tiếp cận vốn vay, qua đó góp phần cùng Tiên Phước phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới về đích vào năm 2025.

NGUYỄN HƯNG