Các địa phương phải thực hiện đầy đủ quyền lợi liên quan đến đất đai cho người dân
(QNO) - Phát biểu giải trình tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh sáng nay (5.10) bằng hình thức trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang lưu ý với các địa phương vùng đông của tỉnh phải quan tâm giải quyết quyền lợi của người dân liên quan đến đất đai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, sau khi vùng đông được quy hoạch phát triển các dự án trọng điểm thì xuất hiện tình trạng phức tạp trên lĩnh vực quản lý đất đai. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn vùng đông của tỉnh để chấn chỉnh. Quá trình thực hiện có ảnh hưởng đến một số quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Qua rà soát, UBND tỉnh ban hành lại Chỉ thị 19 ngày 13.11.2021 song trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc, từ báo cáo của UBND huyện Thăng Bình, UBND tỉnh có Văn bản 5417 đề nghị các địa phương vùng đông, trong đó, có Thăng Bình phải quan tâm hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện theo các điểm từ 1 đến 6 tại văn bản này.
Theo đó, đối với những khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì phải quản lý chặt chẽ; các khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì giải quyết quyền lợi cho người dân về đất đai và xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng trăm hộ dân chưa được áp giá đền bù
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đinh Công Trúc – Phó Chủ tịch HĐND xã Duy Hải (Duy Xuyên) nêu ra những bất cập trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (nằm ở hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa).
Ông Trúc cho biết, bộ mặt đô thị của xã Duy Hải dần hình thành từ khi dự án triển khai và các hạ tầng được đầu tư xây dựng, khớp nối như cầu Cửa Đại, cầu Trường Giang, đường Võ Chí Công... Qua ba giai đoạn thực hiện, Duy Hải đã bố trí được 979 lô đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Đến nay bà con đã xây dựng nhà ở kiên cố.
Theo ông Trúc, dự án triển khai kéo dài nhiều năm, thay đổi nhiều nhà đầu tư; chế độ chính sách đền bù và các căn cứ liên quan cũng có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư nguyện vọng của người dân nằm trong vùng dự án Duy Hải, Duy Nghĩa.
Tại địa phương, hiện có 172 hộ dân có nhà ở xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được áp giá đền bù, vướng dự án nên cũng không thể xây dựng, sửa chữa. Trong đó, 39 hộ kiểm kê từ năm 2011 đến nay vẫn chưa áp giá, đền bù. “Trong 172 hộ này, có 59 hộ thuộc gia đình chính sách, có công cách mạng nên việc hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa lại nhà cửa không thực hiện được vì nằm trong vùng quy hoạch” – ông Trúc cho biết.
Còn cử tri Nguyễn Tấn Anh – xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết, đến nay vẫn còn 18 hộ bị ảnh hưởng dự án đường Võ Chí Công chưa được bố trí tái định cư. Trong 10 năm qua, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã bàn giao mặt bằng và được bố trí tái định cư nhưng đến nay chưa được cấp sổ đỏ.
Liên quan đến việc thực hiện thực hiện Chỉ thị 19 ngày 13.11.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý hiện trạng đất đai tại khu vực vùng đông, cử tri Nguyễn Tấn Anh kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền liên quan đến đất đai đối với vùng nằm ngoài các dự án chưa công bố quy hoạch…
Chậm bố trí tái định cư, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng
Giải trình tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang thừa nhận, việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chậm làm khu tái định cư làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh đã có văn bản ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện rà soát tình hình thực tế để phê duyệt cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
“Chúng ta thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời dân, bồi thường có 50 nghìn/mét vuông. Đến nay là 10 năm mới làm được khu dân cư thì giá tái định cư bằng suất đầu tư, như vậy là rất cao. Chưa cấp được sổ đỏ cho dân thì các thủ tục làm cấp phép xây dựng bị vướng” – ông Quang nói.
Về dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồng Quang cho rằng, đây là dự án lớn tạo động lực cho sự phát triển của khu vực vùng đông (Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình) phát triển. Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động của dự án bị chựng lại, nếu không khu vực này sẽ rất sinh động. Dự án có quy mô rất lớn với 985ha, chia làm nhiều giai đoạn. Tiến độ thực hiện theo phân kỳ và theo các quy hoạch được duyệt.
Vì vậy, các tiến độ này sẽ chịu nhiều tác động của Luật Đất đai, các chế độ liên quan đến chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, tất cả các phương án bồi thường được thực hiện tại thời điểm lập phương án bồi thường. UBND tỉnh đang thảo luận để sớm ban hành cơ chế tài chính mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền tái định cư được cấp sổ đỏ” – ông Quang nói.
Tiếp thu các kiến nghị của cử tri các địa phương, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định: Quan điểm của Tỉnh ủy là tập trung chỉ đạo để phát triển vùng đông trở thành vùng động lực của tỉnh. Ngày 23.8.2021, Tỉnh ủy ban hành Quyết định 286 thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, cơ cấu nhiều thành phần để tập trung rà soát, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc để phát triển vùng đông.
“Những ý kiến của cử tri tại hội nghị tiếp xúc lần này sẽ được các tổ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, giải quyết sớm nhất, tạo điều kiện và động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là những dự án nào đã được quy hoạch, cấp phép nhưng để lâu không triển khai thì phải cương quyết thu hồi. Không để tình trạng quy hoạch treo kéo dài gây khó khăn cho đời sống người dân và lãng phí nguồn lực đất đai” – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.