Người già chênh chao trong đại dịch
Trong cơn đại dịch Covid-19, những người già có lẽ càng cô đơn hơn trong sự giãn cách xã hội. Chia cách với con cháu, thậm chí là mất mát người thân. Song đâu đó vẫn có hình ảnh những người già coi sóc cháu con hoặc xắn tay áo cùng bọn trẻ làm từ thiện... Hơn hết trong lúc này cần sự đồng cảm của gia đình và chăm lo của xã hội với những người cao tuổi. Bởi họ - như bóng mát của tàng cổ thụ, để mỗi một trong chúng ta tìm về, trú ngụ bình an.
KHOẢNG KHÔNG CỦA NGƯỜI GIÀ
Một vuông sân hàng xóm chắt chiu hết cỡ trong bản vẽ ngôi nhà, vừa hình thành. Hỏi ra, anh nói để dành chỗ cho cha mẹ và mấy chú bác trong xóm có chỗ chuyện trò...
Tưởng chỉ chuyện không đâu, nhưng hóa ra, ở vuông sân ấy, có bao nhiêu câu chuyện các cụ san sẻ cho nhau. Những người già ở phố thị, họ đâu có nhiều bạn bè. Không gian cho họ, càng ít ỏi. Nhà ống, thì vuông sân có một bóng cây vừa đủ đặt bộ bàn ghế, đã thành quý giá.
Và những cảnh huống như vậy buộc người già cũng phải quen với chuyện cả ngày ở trong nhà, nhìn nhau - nếu còn ông còn bà, hoặc nhìn tivi, hoặc bắc ghế ra trước sân, ngồi đếm xe chạy... như những người trên con phố tôi đang ngụ?
Quay lại câu chuyện không gian người con trai “dành dụm” cho cha mẹ mình. Ngày ngày, chừng 5 ông bà lão hàng xóm ngồi lại cùng nhau. Chuyện của họ là hỏi han con cháu bữa rày học hành, thi cử ra sao. Chuyện con Mun vừa mới theo bạn đi lạc. Chuyện cụ ông ngõ trên vừa mới ra đi... Thế giới của họ là những mẩu chuyện không đầu không cuối.
Ông già chủ nhà nói với bạn đồng niên, tuổi mình bây giờ khó nói chuyện với bọn trẻ. Hình như thế giới quan khác nhau, khiến những người già trong mắt bọn trẻ là “lẩm cẩm”, lạc thời. Người trẻ sợ đối diện với những người có tuổi, bởi họ sẽ nhắc mãi về một điều gì đó quá cũ, rót mãi một chuyện mà người trẻ đã nghe tới hàng trăm lần. Hẳn những đạo lý sống của người già đúc kết qua dâu bể trải đời chưa đủ để người trẻ thấu suốt?
Vuông sân của cụ ông mấy hôm nay có thêm vài người già là lạ. Hóa ra, họ là cha mẹ của những hàng xóm mới vừa dọn về đây. Họ từ khắp nơi, có người từ xứ Nghệ, có người tít tận vùng Thái Bình. Những tiếng nói vùng miền làm rộn cả một khoảnh sân.
Chợt nhớ có mấy lần ba mẹ từ quê xuống thăm con. Người trẻ đi làm từ sáng đến tối, bỏ người già ở quê lên phố chơi mà thui thủi. Hóa ra, lên chơi với con còn cô đơn hơn ở nhà quê của mình. May mà cái tính xởi lởi của người ở quê đã giúp người già nhà mình kết nối với những người già xung quanh.
Người già ở quê ra phố thăm con rồi quay về. Khoảnh sân ở phố vắng mất những giọng nói cười khắp vùng miền. Họ ghé qua và để lại một phần tuổi già trong nỗi nhớ quê nhà của những cụ ông cụ bà còn lại.
Những người già ở đô thị, trong tình hình dịch bệnh, sẽ còn khó khăn gấp bội. Khó không chỉ vì bức bách của không gian. “Tuổi già hạt lệ như sương”, mỏng manh trước những con gió độc. Nhiều nghiên cứu xã hội trong tình hình dịch bệnh cho rằng, khi thực hiện lệnh phong tỏa, giãn cách, cư dân ở đô thị sẽ gặp nhiều trắc trở hơn cư dân nông thôn.
Bên cạnh thực phẩm bị hạn chế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe không được đáp ứng, họ còn gần như bị giam hãm trong căn nhà bí bách. Trong khi ở nông thôn, dù phong tỏa nhưng căn nhà với khoảng trời và vuông sân, vườn tược rau quả, giúp người dân có không gian thoáng đãng. Và nhóm người yếu thế - những người già càng ảnh hưởng nặng nề.
Rồi lại nghĩ mông lung khi chiều tắt nắng nhìn cụ ông một mình ngồi trước khoảng sân, liệu cha mẹ mình có hạnh phúc hơn những người già nơi này? Khi những đứa con ở phố ngày một bận bịu với chính con cái của chúng, đường về quê từng ngày một thưa dần.
Muốn đưa người già ra phố nhiều ngày hơn, thì nhận câu trả lời: “thôi con, nhớ má thì về, nhà mình vẫn ở đó, xưa giờ, má phải ở đây, vì nơi chôn nhau của con, của má...”. Ôi có lẽ tại chúng ta lớn lên rồi đi xa quá chứ nhà mình nào có xa!
QUAN TÂM CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI
Giữa tác động của đại dịch Covid-19, công tác chăm sóc người cao tuổi (NCT) về đời sống vật chất và tinh thần cần được quan tâm hơn lúc nào hết.
Ông Nguyễn Đình Tâm - Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh cho biết, Quảng Nam hiện có 201.237 hội viên NCT, chiếm 12% dân số của tỉnh. Nhận thức ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến sức khỏe và tính mạng NCT - đối tượng dễ tổn thương do tuổi già, cán bộ hội NCT đã cùng với các tổ chức đoàn thể địa phương luôn chăm lo cho họ. Nhằm hỗ trợ phòng chống dịch cho NCT, Ban đại diện Hội NCT tỉnh đã tiếp nhận, cấp phát cho các cấp hội tài liệu hướng dẫn về công tác chăm sóc, bảo vệ NCT trong dịch bệnh.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ dự án HAI với mục tiêu đưa NCT vào diện cần chăm sóc trong phòng chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, hội NCT xã, phường và các Câu lạc bộ Liên thế hệ đã giúp một số vật dụng phòng dịch như 15 máy đo thân nhiệt, 432 lọ cồn sát khuẩn cùng hàng trăm khẩu trang, găng tay và cung cấp, trang bị nhiều tài liệu liên quan đến phòng chống dịch.
Dự án HAI được triển khai từ tháng 7.2019 tại nhiều địa phương, trong đó có nội dung quan trọng là nâng cao nhận thức về nhu cầu, tính dễ bị tổn thương, năng lực, khả năng đóng góp của NCT và cách làm việc với NCT trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết, qua hơn 2 năm triển khai dự án đã giúp hội NCT các cấp có kế hoạch, biện pháp chăm lo NCT dễ bị tổn thương khi có thiên tai xảy ra, đồng thời phát huy những NCT đủ khả năng, giàu kinh nghiệm trong công tác phòng chống rủi ro thiên tai. Tại các xã, phường tiếp nhận dự án HAI, những năm qua dù xảy ra thiên tai nhưng không có thiệt hại về người. Nguyên nhân là do hội NCT các địa phương có kế hoạch chủ động hỗ trợ NCT thuộc diện khó khăn khi có thiên tai.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống NCT (6.6), toàn tỉnh có 20.148 NCT được mừng thọ (trong đó có 2.442 cụ tròn 90 tuổi, 308 cụ tròn 100 tuổi). Tổng kinh phí được ngân sách nhà nước cấp cho độ tuổi 90, 100 tuổi là hơn 1,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có hàng nghìn NCT được khám mắt sàng lọc. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Ban đại diện Hội NCT đề nghị các cấp sớm cho NCT được tiêm vắc xin, vì NCT là đối tượng dễ tổn thương, có nguy cơ tử vong cao khi bị nhiễm bệnh.
Ngày Quốc tế NCT 1.10 năm nay, Việt Nam tổ chức Tháng hành động vì NCT với chủ đề “Chung tay chăm sóc NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn”. Dịp này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH rà soát và có biện pháp hỗ trợ NCT thuộc diện chính sách, NCT nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, NCT cô đơn không nơi nương tựa. Vận động xã hội chung tay vì sức khỏe NCT, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ; tiếp tục “Chương trình mắt sáng cho NCT”; xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở theo Điều 7 Luật NCT.
“NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI”
Ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh nói, những người già quê mình vào trong này lao động, đã được đưa về kha khá. Trong rất nhiều người chúng tôi từng gặp tại các khu cách ly, hầu như những người già mưu sinh phương xa, đều vì hai tiếng... cháu con. Chúng tôi gọi họ, là những người già.... “mắc nợ”.
Đợt đầu tiên Quảng Nam tổ chức đón bà con đồng hương từ TP.Hồ Chí Minh trở về hồi tháng 7, những người già chiếm phần lớn. Bà Trần Thị Hoa (Nông Sơn) là một trong số những người già đơn độc ở Sài Gòn.
Bà vào miền Nam để mưu sinh. Đứa con trai duy nhất bị tai nạn, không thể lao động như bình thường. Cô con dâu đầu tắt mặt tối với mấy sào ruộng chỉ đủ ăn uống sinh hoạt, còn tiền thuốc thang chạy chữa cho chồng và nuôi 2 con ăn học. Thương con, thương cháu, người mẹ tóc đã bạc màu thời gian lại tha hương kiếm việc, hằng tháng gửi về phụ giúp cháu con.
Bà giúp việc cho một quán ăn, mỗi tháng nhận được chừng 3,5 triệu đồng. Hết giờ làm bà lại kiêm thêm “nghề tay trái” nhặt ve chai. Bà sống tằn tiện nhất có thể, tiết kiệm để có tiền gửi về phụ con cháu. Khi tình hình dịch phức tạp buộc dừng nhiều hoạt động, dịch vụ, bà Hoa thất nghiệp.
Tiền bạc không có, người thân cũng không. Không phương tiện xe cộ, chẳng biết làm thế nào để về. Và bà Hoa là một trong số rất nhiều hoàn cảnh người già xứ Quảng bị kẹt lại Sài Gòn khi tìm đường mưu sinh, để nuôi sống mình hoặc đỡ đần con cái.
Ông Mai Phúc kể có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, phần lớn là những người già ở khắp các vùng quê... vào Sài Gòn để bán vé số, bán hàng rong. Dịch bệnh ập xuống, họ chính là những người dễ tổn thương nhất.
Đứt gánh mưu sinh. Đứt gãy liên hệ với quê nhà. Những người may mắn có được sự giúp sức từ hội đồng hương. Nhưng còn đó một lượng lớn người già mắc kẹt ở phố, trong những con hẻm vẫn còn phong tỏa, trong những căn nhà tạm bợ thiếu trước hụt sau...
Lại có những người già ở quê vào phố để “chăm cháu”. Nhưng họ chẳng khác nào một quản gia cao cấp trong chính gia đình con cái mình. H. sinh con đầu lòng tại nhà mẹ, gần đến ngày đi làm, cô phải vào lại thành phố. Vậy là người mẹ tay xách nách mang, khệ nệ vào phố giữ cháu.
Những người ông người bà bận tối thui mặt mũi với những đứa bé nghịch ngợm thừa năng lượng. Ba mẹ tụi nhỏ vẫn ở công sở nên họ đảm trách việc đưa đón, tắm giặt và cho chúng ăn.
Chỉ đến tối, ông bà mới được nghỉ ngơi. Gần như xã hội Việt Nam ngầm hiểu rằng, ông bà chăm cháu là việc đương nhiên. Và những đứa con cũng mặc nhiên nghĩ, đó là trách nhiệm xã hội của những người làm ông làm bà.
Lại có rất nhiều gia đình dù ở thôn quê hay thành phố, dù 9 - 10 đứa con hay chỉ có 1 - 2 đứa, thì cha mẹ khi về già chỉ còn hai người lụi cụi chăm nhau. Người may mắn có bên mình bạn đồng hành tới tận ngày muốn nhìn nhau nghe nhau phải nheo mắt dỏng tai.
Người buồn hơn vì gần cuối đường lại phải đếm bước mình. Có lẽ vì thương con mà đẩy từng đứa xa mình. Để ngày cùng tháng cuối vẫn ngại chuyện cháu con chăm chút, để mà tự chăm nhau, hay tự chăm mình.
Những lát cắt trong trong thế giới của người già. Loanh quanh đâu đó, thấp thoáng tương lai của mỗi người mình. Vì, nước mắt thì cứ chảy xuôi.
LOAY HOAY TRONG BUỔI XẾ CHIỀU
Tác động của dịch Covid-19 chẳng chừa một ai. Khi tuổi đã xế chiều, nhiều người vẫn phải lắt lay với sinh kế, có người lại khắc khoải trông ngóng cháu con nơi phương xa cách trở đường về.
1. Bà Phạm Thị Yêm (quê Điện Phước, Điện Bàn) năm nay đã 80 tuổi. Mỗi ngày bà vẫn lụi cụi trên chiếc xe lăn chầm chậm đẩy cút kít xuống chợ Vĩnh Điện để bán thuốc lá. Cảnh già neo đơn, bà chỉ biết tự an ủi mình rằng dẫu gì cũng còn một chút sức khỏe để có thể kiếm đồng ra đồng vào nuôi mình.
“Một ngày được vài chục nghìn thôi nhưng có đi làm cũng vui chứ về nhà một mình thì buồn lắm” - bà Yêm nói.
Bên lối nhỏ dẫn vào các gian hàng khu phố chợ, cũng chẳng còn thấp thoáng bóng các cụ bà đội nón cời ngồi cặm cụi với mớ rau củ quả nữa. Cả tháng trời giãn cách vừa rồi, họ chẳng buôn bán được gì. Nằm nhà, nhu yếu phẩm hỗ trợ, ít nhiều đều có nhưng mà họ vẫn cứ canh cánh mãi. Đánh đổi sức già, mỗi ngày một ngày chạy chợ, một ngày rong ruổi nơi nẻo đường là một ngày kiếm thêm được chút ít tiền bạc để chắt bóp lo thân già. Con cháu họ, bây giờ cũng khó đủ đường.
Ông Nguyễn Trí Minh - đại diện nhóm thiện nguyện Tươi Sáng có lần chia sẻ, dịch bệnh làm nhiều người rơi vào cảnh khốn khó lắm. Ai cũng khổ, người già càng khổ, chúng tôi cũng giúp được nhiều nhưng mà không xuể.
Dịch bệnh hoành hành, đường về nhà với nhiều người xa lắc. Nơi ngoại ô Hội An, nhiều cụ già bây giờ đã thảnh thơi hơn với nỗi tất bật mưu sinh nhưng rồi Covid ập đến khiến họ sớm tối thấp thỏm với một nỗi lo vô hình. Đã 9 tháng rồi, bà Bảy (xã Cẩm Thanh) chưa thể gặp lại con cái và hai đứa cháu nội ở Sài Gòn.
Nghe giọng tíu tít của sắp nhỏ từ màn hình điện thoại mỗi khi gọi về, bà Bảy cứ thừ người ra. Ăn uống chẳng thấy ngon vì cứ canh cánh lo lũ trẻ ăn uống, học hành ra sao giữa đại dịch, rồi cha mẹ chúng vật lộn với sinh kế thế nào. Những trường hợp như bà Bảy chẳng hiếm ở khắp nơi. Không khí trong những nếp nhà chùng xuống, lắng đọng trong nỗi buồn đại dịch.
2. Trong căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Thành Dâng (78 tuổi, thôn 3 Tiên Thọ, Tiên Phước) ngày đêm mong ngóng tin con cháu. Nỗi đau ập đến gia đình cụ vào giữa tháng 9. Cả nhà người con trai đầu của cụ là anh Nguyễn Duy Tiên đi làm tại TP.Hồ Chí Minh bị nhiễm Covid-19. Vợ anh Tiên đang mang thai đứa con nhỏ ở tháng thứ 8. Sức khỏe suy kiệt không thể chịu đựng, thai nhi đã được mổ cứu sống nhưng người mẹ đã không thể ở lại với 4 đứa con. Nỗi đau, gánh nặng chỉ còn anh Tiên gánh vác.
Cụ Dâng buồn rầu: “Vợ chồng nó đi làm thuê, rồi sinh con đẻ cái, thuê trọ ở trong đó. Thấy khổ quá, tôi kêu để cháu Quang - con đầu của nó cho tôi nuôi, chừ nó vô đại học năm nhất rồi. Mà ai ngờ nỗi đau quá lớn!”. Câu chuyện bị ngắt quãng khi “người đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh”. Ngày nhập học Quang đã cận kề; mẹ mất, cha không có việc làm, các em còn quá nhỏ.
“Con thương ông bà nội lắm! Ông tuổi cao, có bệnh thoái hóa cột sống, không làm chi nặng nhọc được. Con ở nhà phụ giúp ông bà, chừ con đi học xa thì ông bà ở nhà không có ai đỡ đần. Con chỉ mong ba với các em sớm đưa mẹ về quê” - Quang nói.
“Chừ thằng Tiên cũng không biết thi thể vợ ở đâu, đã được thiêu chưa. Hắn mong được đón vợ rồi đưa về quê an táng. Tôi kêu hắn khi nào có phương tiện thì đưa các cháu về quê, rồi cơm cháo nuôi nhau qua ngày” - cụ nói. Kể từ ngày nhận tin con dâu mất, cứ chiều chiều cụ Dâng lại ngồi đầu hè, ngóng trông cháu con trở về.
Người già, tiếng lòng thường giấu vào trong. Gặp mùa trái gió, trở trời này, một khoảnh khắc hạnh ngộ sum vầy cũng đủ làm họ vơi bao mệt mỏi. Cũng đành, bao nhiêu cái hẹn khất lại, một khi bình thường mới những đứa con sẽ trở về…