Số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu giảm
(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu giảm 10%. Trong khi đó những nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới là Pfizer và Moderna dự báo đại dịch sẽ kết thúc sau một năm nữa.
Trong đánh giá thường xuyên về đại dịch được công bố hôm qua 29.9, WHO báo cáo số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên thế giới tiếp tục giảm trong tuần qua, ước tính có khoảng 3,3 triệu ca nhiễm mới và khoảng 55.000 ca tử vong, giảm 10% ở cả hai.
Như vậy đây là lần đầu tiên sau hơn 2 tháng, thế giới có số ca mắc mới Covid-19 giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là ở khu vực Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ.
WHO cho biết tất cả khu vực đều báo cáo số người tử vong do Covid-19 giảm hơn 15% tuần qua, ngoại trừ châu Âu - nơi vẫn giữ nguyên như những tuần trước đó và châu Phi - nơi có mức tăng khoảng 5%. Đặc biệt ở châu Á, số bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi cũng giảm gần 1/4.
Tuy vậy, WHO cảnh báo sẽ có nhiều khả năng Covid-19 tăng đột biến khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông - thời điểm bệnh dễ lây lan hơn cùng với sự hoành hành của các biến thể SARS-CoV-2.
Các hạn chế về khoảng cách xã hội cũng đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia có mức độ tiêm chủng tương đối cao.
Theo thống kê, hiện khoảng 6,3 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm chủng chủng cho người dân tại 184 quốc gia, vùng lãnh thổ trong chiến dịch tiêm phòng lớn nhất lịch sử đang được tiến hành, trung bình 30,3 triệu liều được tiêm mỗi ngày.
Nhưng với tốc độ trên, mục tiêu về mức độ miễn dịch cao trên toàn cầu vẫn còn một chặng đường dài.
Đáng chú ý, hiện khoảng 40,7% dân số toàn cầu được tiêm chủng đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 nhưng sự phân bố đã bị lệch. Bởi, các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất đang tiêm chủng nhanh hơn 20 lần so với những quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Dù các loại vắc xin tốt nhất có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do Covid-19, thế giới cần có một chiến dịch phối hợp để ngăn chặn đại dịch.
Cùng ý kiến với lãnh đạo của hãng dược Moderna, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Pfizer - ông Albert Bourla cho rằng đại dịch sẽ kết thúc sau khoảng một năm nữa và thế giới sẽ trở lại cuộc sống bình thường nhờ tiêm chủng rộng rãi.
Tuy nhiên, CEO Albert Bourla nói: “Tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là các biến thể sẽ không tiếp tục xuất hiện. Và tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là về cơ bản chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường mà không cần tiêm chủng”. Do đó, CEO Albert Bourla đề cập đến sự cần thiết của việc tiêm phòng hằng năm để chống lại các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.