Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên tổng đàn chó tại Quảng Nam rất thấp
(QNO) - Sáng nay 28.9, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021, góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 và mít tinh nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (28.9).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 59 nghìn người tử vong vì bệnh dại ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 99% trường hợp tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi.
Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 29 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh dại và phải điều trị dự phòng, gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ USD. Ở châu Á, mỗi năm có khoảng 26 triệu người được điều trị dự phòng sau phơi nghiễm, trong đó riêng Trung Quốc là 15 triệu người.
Tại Quảng Nam, theo số liệu thống kê, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hơn 170 nghìn con. Trong giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh ghi nhận 5 người tử vong vì bệnh dại; tổng số người bị chó cắn phải điều trị dự phòng là hơn 19 nghìn người.
Báo cáo cho thấy, kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên tổng đàn chó trong 5 qua tại Quảng Nam rất thấp. Như năm 2020, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 12,5%, trong đó có 3 huyện Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù từ năm 2017 đến tháng 8.2021, số ca bệnh dại trên người hằng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011 - 2016; tuy nhiên, với tổng số đàn chó nuôi lớn, hiện có khoảng 7,5 triệu con, nguy cơ bệnh dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao.
Có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt hơn 70%. Tiếp đến là tiêm vắc xin phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
Dự thảo Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 hướng tới mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Các giải pháp được nhắc đến là tập trung truyền thông cộng đồng, tăng cường quản lý và tiêm vắc xin cho đàn chó mèo nuôi; đồng thời đảm bảo tất cả người bị chó cắn phải được tiêm vắc xin...
Dịp này, đại biểu dự hội nghị đã tham gia mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại năm 2021 với chủ đề “Bệnh dại: Hãy hiểu biết, đừng sợ”.