Phú Ninh cần tập trung nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới

HẢI CHÂU - MAI LINH 28/09/2021 10:17

(QNO) - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tại cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Phú Ninh vào chiều qua 27.9 về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: C.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: C.L

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Ninh, đối với chương trình xây dựng NTM, đến nay địa phương đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM theo quy định tại Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ (tiêu chí số 8 về an ninh, trật tự xã hội chưa đạt).

Trong khi đó, 9/10 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí theo Quyết định số 756 của UBND tỉnh (xã Tam Lộc không đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng - an ninh). Toàn huyện có 19 thôn cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu theo quy định.

Diện mạo nông thôn Phú Ninh ngày càng khởi sắc. Ảnh: C.L
Diện mạo nông thôn Phú Ninh ngày càng khởi sắc. Ảnh: C.L

Thực hiện chương trình OCOP, giai đoạn 2018 - 2020 Phú Ninh có 17 sản phẩm của 15 chủ thể được công nhận đạt chuẩn 3 sao. Năm 2021, huyện có 3 sản phẩm mới đã được thống nhất đưa vào kế hoạch để thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP với tổng kinh phí thực hiện hơn 800 triệu đồng.

Cùng với đó, Phú Ninh đã huy động 9 hợp tác xã nông nghiệp, 1 doanh nghiệp, 1 chủ trang trại, 1 cá nhân tham gia chủ trì thực hiện 16 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên các lĩnh vực. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 10 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 41 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh ở 2 xã Tam An, Tam Đại và cây sen ở 2 xã Tam An, Tam Phước.

Những năm qua, Phú Ninh hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa nhằm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: C.L
Phú Ninh hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa nhằm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: C.L

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, Phú Ninh đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân đầu tư phát triển kinh tế hộ, nâng cao nguồn thu nhập. Đến nay, toàn huyện còn 465 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,03% (trong đó có 453 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội và 12 hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo). Hộ cận nghèo còn 341 hộ, chiếm tỷ lệ 1,49%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhìn nhận, những năm qua Phú Ninh có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, việc nâng chuẩn các tiêu chí NTM chưa được tập trung triển khai quyết liệt. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục rà soát lại các tiêu chí thiếu tính bền vững để có những biện pháp giải quyết cụ thể và hiệu quả.

Lãnh đạo huyện thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ những hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: C.L
Lãnh đạo huyện thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: C.L

“Địa phương cũng cần thiết lập bài bản các phương án để khai thác tối đa lợi thế về nông - lâm nghiệp, du lịch và thu hút đầu tư… nhằm tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân. Giải ngân kịp thời các nguồn vốn NTM theo quan điểm đầu tư phù hợp và tính toán đến lợi lích lâu dài. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thông suốt về mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ và nhân dân...” - ông Trần Anh Tuấn yêu cầu.

HẢI CHÂU - MAI LINH