Phòng chống dịch Covid-19: Ứng dụng công nghệ đã thực sự hiệu quả?
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua chưa mang lại hiệu quả do tràn lan ứng dụng mà thiếu sự thống nhất để người dân dễ dàng áp dụng.
"Chóng mặt" với ứng dụng
Trước yêu cầu phòng chống dịch bệnh, thời gian qua, các bộ ngành đã phát triển, đưa vào áp dụng hàng loạt ứng dụng và trang web như Bluezone, VHD, tokhaiyte.vn, suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông đã triển khai các nền tảng công nghệ như khai báo y tế và quản lý vào ra bằng QR Code, quản lý tiêm chủng, xét nghiệm, hỗ trợ truy vết, giám sát cách ly… Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội lại triển khai thêm ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID.
Thống nhất dùng chung một ứng dụng
Trước thực trạng có quá nhiều ứng dụng trong phòng chống dịch, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một ứng dụng di động tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch.
Việc có quá nhiều ứng dụng cùng một mục đích đã gây ra không ít lúng túng cho người dân và các địa phương. Đặc biệt là việc triển khai công nghệ theo kiểu “nửa vời” như cách một số chốt kiểm soát yêu cầu vừa khai báo điện tử vừa khai bằng giấy, vừa mất thời gian vừa khiến người dân bối rối.
Ông T.C.T., chủ doanh nghiệp tại thị trấn Núi Thành phản ánh: “Yêu cầu công việc buộc tôi phải thường xuyên di chuyển nhiều nơi, qua nhiều chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt kiểm soát không thực hiện thống nhất một ứng dụng khai báo y tế điện tử nên tôi vẫn phải khai đi khai lại nhiều lần”.
Mặc dù đã có nhiều ứng dụng khai báo y tế điện tử triển khai, tuy nhiên từ ngày 1.8 Quảng Nam triển khai thêm ứng dụng quản lý khai báo y tế riêng, tại địa chỉ “khaibaoyte.quangnam.gov.vn” và ứng dụng Smart Quảng Nam.
Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Sở Thông tin và truyền thông cho biết, lý do xuất phát từ việc liên thông, khai thác dữ liệu trên các hệ thống khai báo điện tử của các đơn vị… gặp nhiều khó khăn. Trong khi từng ứng dụng đòi hỏi hệ thống quét mã QR khác nhau.
Theo ông Bình, nền tảng dùng chung của tỉnh có khả năng tích hợp liên thông với các hệ thống hiện có của tỉnh, cung cấp tự động số liệu phục vụ điều hành chống dịch cho Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC Quảng Nam).
Chưa đồng bộ
Để phát huy hiệu quả của ứng dụng quản lý khai báo y tế của tỉnh, tại Công văn số 4859 ngày 30.7.2021, UBND tỉnh thống nhất triển khai đồng bộ ứng dụng nhằm phục vụ truy vết nhanh chóng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp, nơi công cộng… cần thiết lập “điểm kiểm dịch” để kiểm soát người ra/vào bằng cách quét mã QR; đảm bảo 100% lượt người qua lại các điểm kiểm soát dịch phải thực hiện khai báo y tế điện tử.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Sở Thông tin và truyền thông, đến nay toàn tỉnh mới có hơn 960 điểm kiểm soát vào/ra với tổng lượt quét khoảng 58.127 lượt. Con số khiêm tốn cho thấy việc triển khai chưa đồng bộ giữa các địa phương và khu vực.
Theo ghi nhận, tại một số trụ sở cơ quan của tỉnh, dù đầu tư “điểm kiểm dịch” với hệ thống máy tính, máy quét QR..., tuy nhiên qua quan sát nhiều nơi chỉ làm cho có lệ; thông thường chỉ đo thân nhiệt rồi cho vào cơ quan mà không bắt buộc phải khai báo, trình mã QR để giám sát. Các siêu thị, cửa hàng điện máy thì vừa không yêu cầu khai báo y tế vừa không thấy bố trí máy quét...
Một cán bộ của Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, việc khai báo y tế điện tử được xem là khâu quan trọng trong công tác truy vết, nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp, hệ thống wifi của điểm kiểm dịch chưa đáp ứng, các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bố trí được người trực kiểm soát vào ra, chưa trang bị thiết bị đọc mã vạch chuyên dụng… khiến cho việc triển khai chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, ứng dụng quản lý khai báo y tế bộc lộ hạn chế, như yêu cầu nhập mã OTP, các trường dữ liệu rời rạc không theo liên kết gây khó khăn cho người dân hoàn thành mẫu tờ khai để có mã QR. Theo quan sát có đến 90% người dân trong lần khai đầu tiên phải có cán bộ hướng dẫn thì mới hoàn thành việc khai báo...
“Tôi mong muốn bộ phận chuyên môn được giao nhiệm vụ cần tham mưu UBND tỉnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch có tính tổng thể, nhất quán và đồng bộ, lấy người dân là trung tâm” - cán bộ này nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch là việc cập nhật và chiết xuất dữ liệu từ các phần mềm.
Do đó, Sở Thông tin và truyền thông cần phối hợp với các doanh nghiệp, sở ban ngành kịp thời khắc phục hạn chế, làm sao liên thông sử dụng được dữ liệu trên các hệ thống hiện khai báo y tế điện tử, quản lý xét nghiệm, tiêm chủng...
Theo ông Bửu, dự báo đến cuối tháng 9 các tỉnh, thành phố sẽ mở cửa, nới lỏng dần biện pháp phòng chống dịch, khi đó người dân sẽ đi lại nhiều, do đó việc triển khai công nghệ thông tin phải đi trước, đồng bộ để phục vụ việc giám sát, điều hành chỉ đạo phòng chống dịch thời gian đến.
Để tiếp tục triển khai công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch, Sở Thông tin và truyền thông đang tiếp tục hoàn thiện ứng dụng bản đồ Covid-19 và các bản đồ liên quan như SOS map, tổ Covid-19 cộng đồng, điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu... để tích hợp vào Hệ thống phục vụ điều hành phòng chống dịch của tỉnh tại địa chỉ “dieuhanhchongdich.quangnam.gov.vn”. Đồng thời tham mưu triển khai giải pháp quản lý cách ly F1 tại nhà; hệ thống cấp giấy đi đường và cấp thẻ đi chợ...