Linh hoạt thích ứng an toàn với dịch bệnh và phát triển kinh tế
Yêu cầu trên được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đặt ra tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào chiều qua 27.9.
Phiên họp do Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.
Phiên họp đã bàn thảo và thông qua Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cũng như đánh giá, xem xét tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến chiều 27.9, Quảng Nam đã qua 4 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 18.7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 665 ca, trong đó có 32 ca cộng đồng, 159 ca xâm nhập, 418 ca thứ phát và 56 ca nhập cảnh.
Quảng Nam đã nhận được hơn 364 nghìn liều vắc xin và triển khai 9 đợt tiêm chủng và đã tiêm hơn 293 nghìn liều cho hơn 238 nghìn người, trong đó hơn 55 nghìn người đã tiêm đủ hai mũi.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự kiến Quảng Nam sẽ kết thúc đợt tiêm chủng trước ngày 5.10 để tiếp tục triển khai các đợt tiêm tiếp theo khi nhận được vắc xin. Hiện Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 50 nghìn liều vắc xin cho Quảng Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, với lượng vắc xin được phân bổ, Quảng Nam mới chỉ đáp ứng được 34,5% số đối tượng trên 18 tuổi được tiêm.
Ngoài ra, công tác xét nghiệm cũng như điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh được đánh giá khá tốt. Quảng Nam hiện có 6 cơ sở xét nghiệm RT-PCR. Toàn tỉnh ở đợt dịch thứ 4 đã thực hiện hơn 283 nghìn lượt xét nghiệm; hiện còn 89 bệnh nhân đang điều trị và đã quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến số 1 tại Bệnh viện Y học cổ truyền...
Nhìn nhận việc tổ chức các biện pháp chống dịch trên địa bàn hiện vẫn chưa đồng bộ, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho rằng, nhiều nơi còn lơ là khi kiểm soát dịch bệnh, công tác quản lý còn sơ hở, ý thức người dân còn chủ quan.
Số lượng vắc xin được phân bổ còn hạn chế so với nhu cầu theo kế hoạch của tỉnh; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch...
Tại cuộc làm việc, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới. Theo đó, yêu cầu quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn. Khi thực hiện, xã phường thị trấn phải thật sự là pháo đài, người dân phải thật sự là chiến sĩ, người dân là trung tâm phục vụ, chủ thể trong phòng chống dịch.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác vận động, huy động người dân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các địa phương tiếp tục hoàn thiện và triển khai tốt những phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, chủ động đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ngành y tế chủ động điều tiết phù hợp số ca mắc mới đến các cơ sở điều trị, đồng thời rà soát, củng cố phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị y tế cho bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đảm bảo nguồn lực cho phòng chống dịch đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra.
“Thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; đảm bảo nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu.