Chuyện éo le từ thẻ căn cước

Nguyễn Điện Nam 25/09/2021 10:37

(QNO) - Chúng ta được nghe truyền thông phổ biến nhiều tiện ích, tính năng hữu dụng của căn cước công dân (CCCD) thay cho chứng minh nhân dân (CMND), đó là việc cung cấp dữ liệu dân cư đồng bộ có hệ thống cả quốc gia. Đồng thời CCCD nhờ con chip được gắn ở mặt sau, có thể lưu trữ được nhiều hơn như vân tay, tích hợp các thông tin về bảo hiểm, bằng lái xe... Ngoài ra, so với thẻ CMND cũ, chiếc thẻ CCCD cũng có tính bảo mật cao hơn nhiều. Tuy vậy, trong thực tế đời sống cũng có thể xảy ra tình huống éo le như trường hợp của nhạc sĩ Trần Quế Sơn.

 

Chuyện là, Sơn vừa  nhận được thẻ CCCD tại Quảng Nam. Chưa kịp mừng thì anh đã thấy lo lo, bởi trên tấm thẻ CCCD chỉ còn mỗi cái tên “cúng cơm” là Trần Văn Tám. Anh lo là sắp tới đây mình sẽ gặp nhiều rắc rối, éo le. Chẳng hạn dùng nghệ danh Trần Quế Sơn để làm các chương trình nghệ thuật nhưng các giao dịch có dính dáng tính pháp lý thì phải là… Tám. Sơn đi máy bay, Sơn mua nhà, Sơn làm từ thiện… thảy phải có chứng từ giấy tờ liên quan CCCD, và chắc phải giải thích mải miết cho rất nhiều người không biết Tám là Trần Quế Sơn (!).  

Trường hợp kể trên không là cá biệt. Có thể nêu hàng loạt nghệ danh nhiều người biết, còn tên thật thì khác. Chẳng hạn NSND Doãn Hoàng Giang (tên giấy tờ: Doãn Đức Viên), NSND Việt Anh (Nguyễn Văn Liêm), NSND Minh Vương (Nguyễn Văn Vưng), NSƯT Thanh Kim Huệ (Bùi Thị Huệ), NSƯT Kim Tử Long (Hoàng Kim Long), NSƯT Thoại Mỹ (Nguyễn Thị Ngọc Mỹ), Minh Nhí (Trương Hùng Minh), Bảo Yến (Nguyễn Khắc Kim Yến), Ngọc Sơn (Phạm Ngọc Sơn), Chi Pu (Nguyễn Thùy Chi), Nhật Tinh Anh (Nguyễn Quốc Phương), Ưng Hoàng Phúc (Nguyễn Quốc Thanh), Dương Triệu Vũ (Võ Tuấn Linh), Đông Nhi (Mai Hồng Ngọc), Quang Tèo (Nguyễn Tiến Quang), Giang Còi (Lê Hồng Giang), Bảo Chung (Nguyễn Văn Lâm), Vượng Râu (Nguyễn Công Vượng), Nhật Kim Anh (Phan Kim Huê), Charlie Nguyễn (Nguyễn Chánh Trực), Dustin Nguyễn (Nguyễn Xuân Trí), Tấn Beo (Lê Tấn Danh), Hari Won (Lưu Esther), Hồng Tơ (Cao Văn Tơ)…Tình hình rất là… tình trạng với nhiều người hoạt động trong làng nghệ thuật giải trí, ví như người ta quen nghe tên ca sĩ Ánh Tuyết, chứ nào có biết tên thật của chị là Lê Thị Tiết, biết nhạc sĩ Trần Tiến chứ nào rõ tên đầy đủ là Trần Việt Tiến.

Còn trong giới văn học lại có thêm bút danh, nhưng “chết danh” trong lòng bạn đọc mà tên khai sinh, tên giấy tờ khác xa. Chẳng hạn, các nhà văn Bảo Ninh (tên giấy tờ là Hoàng Ấu Phương), Tạ Duy Anh (Tạ Viết Dũng), Di Li (Nguyễn Diệu Linh),Yên Ba (Nguyễn Văn Yên), Uông Triều (Nguyễn Xuân Ban), Y Ban (Phạm Thị Xuân Ban), Lynh Bacardi (Phạm Thị Thuỳ Linh), Sương Nguyệt Minh (Nguyễn Ngọc Sơn)…

Nhiều người cho rằng chỉ có giới văn nghệ sĩ mới… rắc rối như thế. Nhưng thực tế, chuyện sai khác tên giấy tờ, khai sinh với nghệ danh, bút danh, bí danh, mật danh, nhũ danh, pháp danh… là vấn đề có tính lịch sử liên quan nhiều giới. Ngay giới chính trị cũng quen gọi các cụ Trường Chinh, Tố Hữu, chứ mấy ai biết đó là Đặng Xuân Khu và Nguyễn Kim Thành, hay có khi dùng  tên thân mật Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Vũ Long (Đặng Thanh)... Tên thường dùng, bí danh của các nhà chính trị được đặt cả tên đường như cụ Trường Chinh, cho thấy tên quen gọi/nhiều người biết có khi còn quan trọng hơn tên khai sinh, tên trên giấy tờ. Lịch sử cũng ghi lại nhiều tên đường với danh gọi được phổ biến, như Huyền Trân Công Chúa, Bà Huyện Thanh Quan, hay gần đây là Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu.

Trở lại với những rắc rối, éo le có thể xảy ra trong thực tiễn sinh hoạt đời sống của những người mang theo nhiều tên họ, nhất là giới hoạt động nghệ thuật có nghệ danh như nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Trước đây, giấy CMND có hai tên Trần Văn Tám – Trần Quế Sơn  tiện giao dịch và mở cả thẻ tín dụng, ATM. Bây giờ CCCD chỉ mỗi một tên khai sinh thôi, có thể sẽ ách tắc khi phải giải trình, thuyết minh lúc giao dịch. Sơn bộc bạch rằng “lâu nay các giấy tờ tôi hoạt động nghề nghiệp hành chính đều phải dùng tên thật và nghệ danh. Lúc đi làm căn cước mới, tôi đã cung cấp tên thật và cả nghệ danh để công an xã biết, nhưng hôm nay nhận được căn cước tôi chỉ thấy có tên thật, tôi biết làm sao đây, nên xin các cấp chính quyền điều chỉnh giúp, tôi sẵn sàng đi làm CCCD lại nếu được để tên nghệ danh thêm vào. Mong Bộ Công an suy xét!”.

Tình huống éo le ở đây không phải là mâu thuẫn xác và hồn như trong vở kịch nổi tiếng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Tuy nhiên, có câu thoại đáng suy nghĩ “tôi muốn được là tôi trọn vẹn” của nhân vật Trương Ba, vậy nên có lẽ CCCD bên cạnh ghi tên khai sinh cần thêm cái tên thường dùng (nghệ danh, bút danh) để thuận tiện hơn nữa cho công dân khi giao dịch, sinh hoạt đời sống.  

Nguyễn Điện Nam