Xã đảo Tam Hải lại đe dọa sạt lở
(QNO) - Sau bão số 5, xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đã bị sạt lở nghiêm trọng. Áp thấp nhiệt đới đang vào bờ và có khả năng mạnh lên thành bão tiếp tục đe dọa khu vực này.
Theo ghi nhận, tại khu vực Cửa Lở (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải), biển đã xâm thực sâu vào đất liền, chỉ còn cách nhà dân chừng 50m. Rừng phi lao lâu năm che chắn bị sóng biển đánh bật gốc, nhiều cây còn nguyên cành lá tả tơi xuống mặt nước biển.
Theo thống kê, đã có hàng chục căn nhà ở Cửa Lở phải di dời đi nơi khác tránh sạt lở nhưng hiện tại vẫn còn 4 ngôi nhà ở lại trơ vơ.
Bà Nguyễn Thị Luận (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải) lo lắng: “Sóng biển ầm ầm như đánh bên tai, về đêm gây khó ngủ. Nghe đài báo, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão người dân vùng Cửa Lở thấp thỏm âu lo, giờ này chúng tôi cũng chưa nhận thông báo có sơ tán di dời tránh bão không" .
Vào mùa mưa bão hàng năm, nhiều tấc đất quý giá ở xã đảo Tam Hải tiếp tục trôi xuống biển. Ông Tạ Trần Cảnh - cán bộ địa chính xã Tam Hải cho biết, kè nối thôn Tân Lập đến thôn Thuận An được ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng kiên cố nhiều năm qua. Tuy vậy, đoạn cuối của tuyến kè là khu vực Bàn Than (thôn Thuận An) đang bị sóng biển đánh hư hại một số vị trí.
Theo ông Cảnh, Nhà nước bỏ tiền xây kè kiên cố vừa hạn chế nạn xâm thực biển vào đất liền vừa bảo vệ vùng biển Bàn Than không chỉ sở hữu phong cảnh đẹp mà còn có nhiều giá trị đa dạng sinh học, bãi đá ngầm, san hô, cỏ biển, nhất là nhiều ghềnh đá đẹp lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.
Nhiều nông hộ trên địa bàn xã Tam Hải như Bình Trung, Tân Lập, Đông Tuần lo lắng tình trạng sạt lở sẽ uy hiếp nhiều hồ đập nuôi tôm. Ông Trang Bá Hộ (thôn Bình Trung) cho biết, 3 ao tôm đã bị biển nuốt chửng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Gia đình còn 2 ao nuôi tôm mà biển ngày càng sạt lở nặng nên bất an.
“Vốn đầu tư nuôi tôm lớn lắm, ngoài bạt còn phải bố trí nhiều máy sục khí, đầu tư hệ thống dẫn nước biển, lọc nước ngọt, ao lắng, hệ thống xử lý nước thải. Nếu 2 ao nuôi tôm bị sạt lở thêm thì gia đình tôi không biết sống bằng nghề gì khi tất cả vốn liếng đã đổ vào các ao nuôi tôm”, ông Hộ nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, trước mùa mưa bão, chính quyền luôn hướng dẫn bà con chằng chống nhà cửa, gia cố bờ ao nuôi tôm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, nhưng nỗi lo vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác vì biển chưa ngừng xâm thực và sạt lở. Người dân và chính quyền địa phương đều mong muốn Nhà nước tiếp tục xây dựng các tuyến đê kè chắn sóng để vừa bảo vệ đất đai, tài sản của nhân dân vừa đảm bảo sinh kế .