WHO hướng dẫn mới về chất lượng không khí
(QNO) - Lần đầu tiên kể từ năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí liên quan đến nhiên liệu hóa thạch trong lúc ô nhiễm môi trường khiến 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu.
Các khuyến nghị mới của WHO tập trung vào các chất ô nhiễm được tìm thấy trong khí thải nhiên liệu hóa thạch như bụi mịn (PM), ôzôn (O3), nitơ điôxít (NO2) lưu huỳnh điôxít (SO2) và cácbon mônôxit (CO).
Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Ngay cả ở mức độ rất thấp, nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, từ não bộ đến đứa trẻ đang lớn trong bụng mẹ”.
Do đó, WHO hy vọng rằng hướng dẫn mới của WHO khuyến khích 194 quốc gia thành viên thực hiện cam kết cắt giảm lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch, mang lại lợi ích kép là cải thiện điều kiện sức khỏe cộng đồng như cứu sống hàng triệu người mỗi năm và giảm lượng khí thải làm nóng lên.
Ông Kurt Straif - nhà khoa học từng làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO nhận định: “Mặc dù việc triển khai là vô cùng thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội chỉ có một lần trong quá trình khôi phục sau Covid-19”.
Theo các giới hạn mới của WHO, nồng độ PM2.5 (các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm hay microgam) trung bình hằng năm không được cao hơn 5 microgam/m3. Các khuyến nghị cũ đặt giới hạn trung bình hằng năm là 10.
Cạnh đó, PM10 trung bình hằng năm hiện là 15 microgam/m3 so với định mức trước đây là 20 microgam/m3. Mức NO2, chủ yếu là do khí thải xe cộ, đã được sửa đổi thành 10 microgam/m3, so với 40 microgam/m3 vào năm 2005.
WHO cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.
Các nhà khoa học xác định rằng việc tiếp xúc lâu dài với nồng độ dù thấp đến mức đó vẫn góp phần gây ra các bệnh tim và phổi, đột quỵ và các tác động tiêu cực khác đến sức khỏe. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình phụ thuộc vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Tiến sĩ Aidan Farrow thuộc Đại học Exeter (Anh) cho rằng, điều quan trọng là liệu các chính phủ mạnh dạn thực thi các chính sách có tác động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải chất gây ô nhiễm, ví dụ như ngừng đầu tư vào các dự án than đá, dầu mỏ và khí đốt; đồng thời ưu tiên các kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, nền kinh tế xanh...
Mặc dù các khuyến nghị sửa đổi của WHO về tiêu chuẩn chất lượng không khí không có tính ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia, đây được xem là một bước ngoặt trong cách chúng ta tiếp cận vấn đề ô nhiễm không khí trên toàn cầu.