Đại Lộc nỗ lực phòng chống nguy cơ sạt lở

TRIÊU NHAN (thực hiện) 23/09/2021 06:50

Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là câu chuyện dài, đòi hỏi nguồn lực rất lớn... PV Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc về giải pháp thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai của địa phương.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ảnh: H.L
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ảnh: H.L

PV: Thưa ông, trước tác động của BĐKH như đã đề cập, huyện Đại Lộc đã có những giải pháp gì để thích ứng?

Huyện chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, ngành. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước gắn với bảo vệ môi trường.

Có giải pháp nâng cao chất lượng rừng, phát triển trồng rừng bền vững, chuyển đổi dần diện tích cây keo sang trồng cây bản địa như giổi rừng, sao đen để giữ đất, giữ rừng, giữ mạch nước ngầm, bảo vệ diện tích rừng hiện có bằng các biện pháp khác nhau. Tăng dần tỷ lệ rừng giàu, có thảm phủ đa dạng, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, kéo dài chu kỳ khai thác, tránh hiện tượng giảm tỷ lệ che phủ rừng, giảm rửa trôi bề mặt.

Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với BĐKH là giải pháp căn cơ. Giảm diện tích trồng lúa (hiện 4.400ha), chuyển bớt một số diện tích sang trồng cây trồng cạn, trồng cây ăn quả, ít sử dụng nước, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Huyện đã xây dựng phương án, kịch bản thích ứng với BĐKH theo từng cấp độ rủi ro do thiên tai gây ra như: phương án sơ tán dân cho vùng sạt lở núi, ven sông, vùng ngập sâu, phải được sơ tán đến nơi an toàn. Bố trí tái định cư ở những vùng sạt lở ven sông. Trong 162 hộ bị ảnh hưởng, huyện cho rà soát lại những hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bố trí quy hoạch 3 khu tái định cư để di dời dân vào.

PV: Ông có thể chia sẻ nhóm giải pháp thích ứng với nguy cơ sạt lở ven sông và đồi núi?

Về sạt lở bờ sông, có 2 giải pháp kè mềm và kè cứng. Kè mềm, tức là trồng cây xanh ven bờ sông, trồng cây chống sạt lở như tre, bói ngoài bờ sông. Ngoài ra còn có kè mềm theo mũi hàn để điều chỉnh dòng chảy cho phù hợp. Huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo triển khai việc này.

Về kè cứng, kè bê tông, huyện đề xuất Trung ương, tỉnh hỗ trợ nhưng kinh phí thực hiện công trình quá lớn nên chưa được triển khai nhiều. Trước đây, từ nguồn BĐKH của tổ chức quốc tế, Đại Lộc được hỗ trợ xây dựng một đoạn kè 500 - 700m ven sông thuộc thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong để bảo vệ 32 hộ dân. Đoạn này vẫn tiếp tục sạt lở, địa phương buộc phải di dời người dân sống ở đoạn còn lại, bố trí tái định cư, tránh sạt lở bờ sông.

Giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đại Lộc đang lập dự án kè cứng cho các đoạn sông bị sạt lở cao, nhất là bờ sông Ái Nghĩa, bờ đông và tây, thị trấn Ái Nghĩa. Kè chống sạt lở bờ sông Thu Bồn - Giao Thủy đã đưa vào danh mục, cho chủ trương, bố trí vốn.

Bờ sông Côn ở thôn Tân Hà, Đại Lãnh cũng đang sạt lở, tỉnh và huyện đã khảo sát. Kinh phí chưa được bố trí, trước mắt huyện bỏ kinh phí kè tạm chống sạt lở khẩn cấp bằng rọ đá, trong khi chờ triển khai bờ kè cứng. Những điểm nguy cơ, khẩn cấp, huyện đang tập trung chỉ đạo, khắc phục.

TRIÊU NHAN (thực hiện)