Chấn chỉnh nuôi chim yến tự phát

VIỆT NGUYỄN 23/09/2021 06:42

Nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên mạnh ai nấy làm, gây nhiều hệ lụy cho môi trường sống nên cần kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hiệu quả kinh tế cao

Vào năm 2010, ông Trần Hữu Long (thôn Trà Đóa 2, xã Bình Đào, Thăng Bình) huy động hơn 1,2 tỷ đồng để đầu tư nhà nuôi chim yến 3 tầng diện tích 360m2. Năm 2013, ông Long bắt đầu khai thác tổ yến với sản lượng 4kg, bán thô được 80 triệu đồng.

Đến năm 2015, ông bắt đầu sơ chế, sấy khô tổ yến để bán ra thị trường, thu được hơn 500 triệu đồng với 15kg yến. Cũng từ năm 2015 đến nay, ông Long tăng quy mô sản xuất, kinh doanh với 4 nhà yến rải rác trên địa bàn xã Bình Đào. Hiện nay, với 4 nhà yến thu được sản lượng 50kg/năm, ông có doanh thu tiền tỷ nhờ các món yến tươi, yến thô, yến sâm Ngọc Linh, yến đông trùng hạ thảo...

Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) được cấp chứng nhận TCVN 5603:2008, ngày 17.3.2021 cho lĩnh vực sơ chế và đóng gói tổ yến, đông trùng hạ thảo. Đồng thời, năm 2020 được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm yến tinh chế sấy khô.

Ăn nên làm ra, ông Long đã thành lập, làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng và xây dựng khu du lịch sinh thái, tham quan, thưởng thức các sản phẩm từ yến ở thôn Trà Đóa 2. Ngoài ra, ông còn thiết kế nhà yến cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, do giá trị kinh tế thu được cao nên ngoài các nhà kiên cố chỉ dành riêng cho nuôi chim yến, nhiều hộ dân tự ý cơi nới phía trên nhà ở để nuôi. Hầu hết các cơ sở nuôi yến nằm ngay trong khu dân cư, chất bẩn không được xử lý đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân.

“Trên địa bàn hiện có 9 hộ nuôi chim yến, bố trí rải rác khắp các thôn Trà Đóa 1, Trà Đóa 2, Phước Long và Vân Tiên. Rất mong UBND tỉnh có quy hoạch chi tiết về nuôi chim yến, bố trí thành khu tập trung để tiện quản lý, kiểm soát, xử lý, phát huy hiệu quả kinh tế” - ông Vinh nói.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp chế biến tổ chim yến được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, gồm Công ty TNHH MTV Yến sào Cù Lao (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) và Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Bảo Trân (phường An Mỹ, Tam Kỳ). Đến nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở nuôi chim yến đăng ký liên kết tham gia liên kết sản xuất tổ chim yến theo chuỗi (7 ở Đại Lộc, 4 ở Thăng Bình, 1 ở Hội An).

Tại xã Duy Vinh (Duy Xuyên), ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn hiện có 6 nhà nuôi yến đem lại giá trị kinh tế cao. Hầu hết các hộ nuôi yến đều sử dụng thiết bị để dẫn dụ chim yến trong tự nhiên về làm tổ như máy phun sương tạo ẩm, thiết bị phát âm thanh “mời gọi” yến.

Về quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, mỗi hộ nuôi có cách riêng, kinh nghiệm riêng, đúc kết từ tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm và được tư vấn bởi người thiết kế nhà yến.

Hầu hết các hộ nuôi chim yến tự phát, không đăng ký xây dựng, không có giấy phép xây dựng. Có tình trạng mạnh ai nấy làm, phát loa gây phiền nhiễu âm thanh trong khu dân cư. Xã chỉ nhắc nhở chứ chưa có đủ pháp lý để xử phạt, việc này phải nhờ các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện chủ trì thực hiện.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở nuôi chim yến, nhiều nhất ở Hội An, Duy Xuyên và Thăng Bình. Sản lượng khai thác tổ yến thô ước đạt hơn 1.700kg, với giá bán dao động 40 - 45 triệu đồng/kg, doanh thu từ bán tổ chim yến là hơn 76 tỷ đồng/năm.

Sẽ kiểm soát chặt

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Cụ thể, trước khi có Luật Chăn nuôi 2018, việc quản lý nuôi chim yến dựa vào Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Do thông tư này chỉ quy định trách nhiệm của sở NN&PTNT các tỉnh, thành, không giao trách nhiệm cho các cơ quan khác và các địa phương đầu mối nên quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát. Trong khi đó, Chính phủ chưa ban hành quy định xử lý hành chính trong hoạt động nuôi chim yến nên cơ quan chức năng không có cơ sở xử phạt hành vi vi phạm của các chủ cơ sở nuôi chim yến.

Hiện nay, việc quản lý nuôi chim yến được quy định tại Luật Chăn nuôi năm 2018 và được cụ thể hóa chi tiết tại Nghị định số 13, ngày 21.1.2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Theo đó, việc nuôi chim yến phải đáp ứng những yêu cầu như chim yến chỉ được phép nuôi trong vùng nuôi chim yến do HĐND tỉnh quy định. Việc xác định vùng nuôi chim yến phải bảo đảm đủ các tiêu chí là phù hợp tập tính, hoạt động của chim yến; phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; không gây ảnh hưởng đời sống của cư dân.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đang áp dụng các quy định của Nghị định 13 để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án nuôi chim yến, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến phải đáp ứng nhiều điều kiện về trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến; có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến; có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến của cơ sở mới đầu tư phải có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA, thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ mỗi ngày; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.

VIỆT NGUYỄN