Phủ sóng viễn thông phục vụ đời sống

VINH ANH 22/09/2021 08:53

Trước yêu cầu chuyển đổi số, đảm bảo thông tin liên lạc, học tập, làm việc trực tuyến…, các doanh nghiệp viễn thông đang tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông (HTVT), khắc phục tình trạng “lõm sóng” ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư hạ tầng viễn thông là việc quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ nhu cầu học tập, làm việc của người dân. Ảnh: V.A
Đầu tư hạ tầng viễn thông là việc quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ nhu cầu học tập, làm việc của người dân. Ảnh: V.A

Nỗ lực vượt khó

Nhằm đáp ứng sự phát triển của địa phương và phục vụ người dân, nhiều năm qua các doanh nghiệp viễn thông đầu tàu như Viettel, VNPT… đã dành sự quan tâm, đầu tư đáng kể để nâng cấp HTVT.

Viettel Quảng Nam đã đầu tư hạ tầng di động băng rộng đến 241/241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với gần 900 vị trí trạm 4G. Trong khi đó, mạng di động của VNPT cũng đã phủ sóng gần hết địa bàn tỉnh, chỉ còn một vài xã vùng sâu, vùng xa.

Với mạng internet cáp quang wifi, đến cuối tháng 8.2021, VNPT Quảng Nam đã đầu tư hạ tầng đến 100% xã, phường, thị trấn phục vụ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Hiện VNPT có thể cung cấp dịch vụ internet cáp quang wifi cho toàn bộ các xã trong tỉnh; trừ một số địa phương mới triển khai cáp quang đến trụ sở công an xã nên phạm vi cung cấp dịch vụ chỉ ở khu vực trung tâm xã.

Chưa có bằng chứng sóng Di động ảnh hưởng đến sức khỏe

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, theo các tài liệu, văn bản của Bộ TT-TT cùng nhiều cơ quan chức năng thì chưa có bằng chứng sóng đi động ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sở TT-TT sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền đến người dân, các cấp chính quyền về vấn đề này, cũng như tuyên truyền về việc cần thiết, quan trọng của việc xây dựng và phát triển HTVT để mọi người cùng nắm bắt và có sự đồng thuận cũng như hỗ trợ với doanh nghiệp trong công tác xây dựng trạm BTS.

Bên cạnh những nỗ lực đang ghi nhận nêu trên, nhìn lại HTVT của các nhà mạng ở nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, kể cả vùng đồng bằng.

Ông Hoàng Ngọc Phương - Giám đốc Viettel Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua Viettel đã nỗ lực triển khai hạ tầng 4G để khắc phục tình trạng “lõm sóng”, tuy nhiên khó khăn nhất là vướng sự phản đối của một số người dân với lý do lo sợ trạm 4G làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam, đại diện VNPT Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có diện tích rộng, có vùng đồi núi hiểm trở, thời tiết không thuận lợi, hàng năm chịu nhiều thiên tai bão lũ làm chia cắt và ảnh hưởng nặng nề đến mạng lưới viễn thông nên việc triển khai và vận hành HTVT tương đối khó khăn.

Bên cạnh đó, áp lực về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như nguồn vốn để đầu tư mở rộng mạng lưới, đặc biệt là cho các khu vực vùng sâu xa thường không hiệu quả.

Khắc phục tình trạng “lõm sóng”

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) cho biết, việc đầu tư HTVT chủ yếu là do các doanh nghiệp viễn thông thực hiện. Đến tháng 9.2021, cơ bản tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được phủ sóng di động và có cáp quang kéo đến trung tâm xã.

Sở TT-TT đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tập trung rà soát khu vực “lõm sóng” để bổ sung hạ tầng trạm BTS, hạ tầng truyền dẫn cáp quang để đảm bảo cung cấp internet đến cho người dân. Đặc biệt là chú trọng phát triển HTVT tại các khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ TT-TT đẩy nhanh tiến độ triển khai của Quỹ viễn thông công ích hỗ trợ đầu tư HTVT đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sở TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục phát triển trạm BTS theo đúng quy hoạch của tỉnh; đồng thời tăng cường việc dùng chung chia sẻ HTVT để đảm bảo tối ưu hóa việc sử dụng, hạn chế việc xây dựng quá nhiều trạm thu phát sóng trong cùng một khu vực để đảm bảo mỹ quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục về xây dựng công trình HTVT, công tác kiểm định chất lượng, bảo dưỡng định kỳ công trình để đảm bảo an toàn chất lượng công trình HTVT trên địa bàn tỉnh. 

Ông Hoàng Ngọc Phương - Giám đốc Viettel Quảng Nam cho biết, để phục vụ kinh doanh và nhu cầu sử dụng của khách hàng; đặc biệt nhằm chung tay thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Viettel Quảng Nam quyết định đầu tư mới thêm 50 trạm băng rộng di động 4G đối với các vùng “lõm sóng” và nâng cấp thiết bị trên hạ tầng có sẵn ở hơn 200 vị trí trạm 4G.

Trong thời gian đến, Viettel Quảng Nam tập trung đầu tư các cột anten thân thiện môi trường, tinh gọn, đảm bảo mỹ quan, an toàn theo đúng quy định của Bộ TT-TT; sử dụng công nghệ 4G mới và phủ sâu rộng đến từng hộ dân. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 35 tỷ đồng.

“Mục tiêu từ đây đến cuối năm 2021 Viettel Quảng Nam đảm bảo hạ tầng 4G thông suốt, tạo thuận lợi cho việc học online, điều hành công tác phòng chống Covid-19, thực hiện đề án xã thông minh…” - ông Phương nhấn mạnh.

VINH ANH