Phong tặng danh hiệu nghệ sĩ: Cống hiến và ghi nhận
Đợt xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đang đi gần đến chặng cuối. Năm nay, số hồ sơ đề nghị xét tặng các danh hiệu của Quảng Nam tăng cao so với lần trước. Điều này được lý giải bởi quy định xét phong danh hiệu nghệ sĩ của năm nay được nới lỏng so với trước đây.
Dự kiến, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ triển khai công tác xét tặng vào cuối tháng 11 và hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vào cuối tháng 12 năm nay.
Nới lỏng quy định
Ngày 15.5, Nghị định 40 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực. Ngoài các quy định cụ thể như trước đây, Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89 ban hành năm 2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo đó, từ năm 2021, cho phép xét duyệt đối với những trường hợp đặc biệt, ví dụ nghệ sĩ có quá trình cống hiến lâu năm và có tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng vẫn có thể xét phong tặng.
Ngoài ra, đồng xét tặng đối với các nghệ sĩ cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật... Bên cạnh đó, việc xét tặng danh hiệu lần này sẽ không tính số lượng nhằm khuyến khích và ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ một cách xứng đáng.
Các nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế...
Bên cạnh đó, việc xét hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Nghị định 89 trước đây yêu cầu số phiếu phải đạt tới 90% tổng số thành viên đồng ý mới được hoàn thiện và chuyển tiếp. Tiêu chí này từng gây ra nhiều tranh cãi khi không ít nghệ sĩ kỳ cựu, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, được khán giả yêu mến cũng bị trượt danh hiệu.
Theo Nghị định 40, các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tú đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Đây chính là điểm mới nổi bật trong nghị định này.
Theo ghi nhận từ các nghệ sĩ, diễn viên, việc xét duyệt nới như thế là thiên về cống hiến, về quá trình nhiều hơn. Cách xét như thế sẽ có lợi cho những người ít tham gia hội diễn nhưng có nhiều đóng góp trong hoạt động nghệ thuật của địa phương.
Chờ đợi từ Quảng Nam
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, đến ngày 15.7, Sở nhận được 9 hồ sơ của 9 cá nhân gửi Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng các danh hiệu; trong đó có 2 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 7 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 10.2021.
Cuối tháng 8 vừa qua, Sở VH-TT&DL thông qua hình thức bỏ phiếu và quyết định lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cho 7 cá nhân. Trong đó, danh hiệu NSND gồm 2 cá nhân là NSƯT Đỗ Linh và NSƯT Ngọc Thủy; danh hiệu NSƯT có 5 cá nhân.
Đoàn Ca kịch Quảng Nam là đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất của Quảng Nam chuyên về ca kịch, dân ca bài chòi với nhiều vở diễn tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực.
Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng Đoàn Ca kịch Quảng Nam, dù có bề dày hoạt động và đang đứng chân tại vùng đất có truyền thống về văn hóa cũng như sở hữu nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhưng hiện Quảng Nam mới chỉ có 1 NSND và 2 NSƯT; các cá nhân này cũng đã về hưu.
Bà Võ Thị Thu Mây cho biết, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã đạt huy chương vàng, bạc, tuy nhiên do chưa hội đủ điều kiện về tuổi nghề (15 năm hoạt động nghệ thuật) nên chưa được xét công nhận NSƯT.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp có thời gian cống hiến lâu năm nhưng lại không đạt tiêu chí về số lượng huy chương đạt được tại các hội diễn, nên các lần trước đều bỏ lỡ cơ hội xét duyệt hồ sơ phong tặng danh hiệu. Lần này, việc nới lỏng quy định tạo cơ hội để Quảng Nam có nhiều hơn các danh hiệu phong tặng cho nghệ sĩ.
Đối với 7 hồ sơ Quảng Nam thông qua lần này, đa số đều là nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho phong trào ca kịch bài chòi truyền thống của địa phương. Trong đó, với việc xét phong tặng danh hiệu NSND, dù NSƯT Ngọc Thủy không đủ tiêu chí về số lượng huy chương nhận được tại các hội diễn, nhưng bù lại, ngoài cống hiến nổi trội trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, NSƯT Ngọc Thủy còn có nhiều đóng góp phục vụ các nhiệm vụ chính trị lớn của tỉnh.
Chị có thâm niên hoạt động nghệ thuật liên tục 32 năm, tham gia công tác truyền dạy nghệ thuật dân ca, bài chòi cho thế hệ trẻ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng như tại các trường học trong dự án “Đưa sân khấu vào học đường” của tỉnh.
Hay đối với danh hiệu NSƯT, dù nghệ sĩ Thu Hương và nghệ sĩ Nguyễn Đức Quang không đạt tiêu chí về huy chương, nhưng các cá nhân này đã hoạt động nghệ thuật liên tục từ 28 năm (nghệ sĩ Thu Hương) và 40 năm (nghệ sĩ Đức Quang).
Ngoài ra, họ đã tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị lớn của địa phương và đất nước cũng như góp phần chuyển tải nghệ thuật truyền thống bài chòi đến với đông đảo khán giả...
Việc phong tặng các danh hiệu cho nghệ sĩ là cách để khích lệ họ tiếp tục cống hiến tài năng của mình. Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Sở VH-TT&DL đã yêu cầu Đoàn Ca kịch Quảng Nam quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghệ sĩ trẻ, tạo nguồn diễn viên kế cận để bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra, đơn vị này phải tạo môi trường làm việc thuận lợi để nghệ sĩ, diễn viên công tác lâu năm tích cực truyền nghề, đào tạo lực lượng diễn viên kế cận, hội đủ các điều kiện để tiếp tục đề nghị công nhận các danh hiệu cho nghệ sĩ trong thời gian đến.