Dấu xưa Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 19/09/2021 06:10

Có nhiều câu hỏi về vùng đất Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam xưa: Địa danh này nghĩa là gì? Được lập từ khi nào và có gì đặc biệt? Từ khi nào tên xã Tam Kỳ lại được dùng đặt tên cho một phủ?

Đình xã Tam Kỳ xưa (nay gọi là Đình làng Hương Trà). Ảnh: P.B
Đình xã Tam Kỳ xưa (nay gọi là Đình làng Hương Trà). Ảnh: P.B

Nguồn gốc tên gọi Tam Kỳ

Trước đây, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều lý giải nguồn gốc địa danh Tam Kỳ: Có người cho tên gọi Tam Kỳ chỉ vùng có ba cái cồn đất lớn (kỳ: cồn đất); có người cho là vùng có ba ngọn núi đất là Quảng Phú, An Hà và Trà Cai (kỳ: gò đất lớn); có người cho rằng do ở đây có ba ngả rẽ (kỳ: ngả rẽ) xuống biển, lên trung du và xuôi theo đường thiên lý.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần (trong Hội thảo “100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ 1906 - 2006”) đã theo ghi chép của Lê Quý Đôn và của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết địa danh Tam Kỳ ở Quảng Nam từng được sử dụng để chỉ: (1) Tên của một con sông; (2) Tên của một bến đò; (3) Tên của một cái đầm; (4) Tên của một ngôi chợ; (5) Tên của một nhà dịch trạm; (6) Tên của một làng; (7)  Tên của một xã; (8) Tên của một huyện; (9) Tên của một phủ; (10) Tên của một phủ lỵ; (11) Tên của một quận; (12) Tên của một quận lỵ; (13) Tên của một thị xã; (14) Tên của một thành phố.

Nhưng Nguyễn Khắc Thuần quên nhắc đến một tên quan trọng: đó là Ngã ba sông Tam Kỳ. Chính cái ngã ba sông này mới là khởi nguyên của tất cả tên/địa danh Tam Kỳ kể trên - tính từ xưa đến nay. Đọc các ghi chép trong sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn, thấy các tên Tam Kỳ giang (ở miền Bắc, miền Trung) và Ngũ Kỳ giang, Thất Kỳ giang (ở miền Nam) trong cả nước đều tương ứng với các vùng có các ngã ba, ngã năm, ngã bảy của các con sông. Từ đó, có thể suy, địa danh Tam Kỳ ở vùng Nam Quảng Nam có lẽ cũng có xuất xứ từ việc lấy ngã ba sông ở đây mà đặt tên.

Tên Tam Kỳ xuất hiện từ khi nào?

Trước Phủ biên tạp lục (PBTL) của Lê Quý Đôn, chưa có một thư tịch hoặc bản đồ nào ghi nhận tên Tam Kỳ. Tư liệu sớm nhất còn lưu ở vùng này có xuất xứ từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu ghi niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (tức năm 1699 đời vua Lê Huyền Tông) ghi địa danh xã ven ngã ba sông Tam Kỳ này là “vi tử tân lập Tam Kỳ xã”. Rồi đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, trong một tư liệu ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (năm 1766 đời vua Lê Huyền Tông), Tam Kỳ được ghi nhận là tên một xã lệ vào “thuộc Nội phủ Liêm hộ” của phủ Thăng Hoa.

Các chúa Nguyễn thời ấy, nắm quyền ở Đàng Trong nhưng đều lấy hiệu của các vua Lê để “hiệu lệnh thiên hạ”. Vì vậy, xét niên hiệu ghi trong các văn bản kể trên, có thể thấy tính khả tín rất cao. Nói khác đi, đến cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18 đã thấy tên Tam Kỳ xuất hiện trên văn bản hành chính. Điều đó có nghĩa là quá trình lập địa hiệu Tam Kỳ phải diễn ra trước đó ít nhất gần cả trăm năm. Gia phả các tộc tiền hiền ở xã Tam Kỳ xưa cho biết các vị thủy tổ của họ đã vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ từ cuối thế kỷ 16.

Tam Kỳ nói riêng và Tam Kỳ nói chung

Từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, địa danh Tam Kỳ chỉ dùng khu biệt để chỉ “xã Tam Kỳ” (tức phạm vi các phường Hòa Hương, Phước Hòa, An Xuân và một phần phường An Mỹ của TP.Tam Kỳ hiện nay). Xã/làng Tam Kỳ đó thuộc về tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (sau đổi là Thăng Bình) của tỉnh Quảng Nam.

Đến năm 1906, huyện Hà Đông được tách ra khỏi phủ Thăng Bình để nâng lên thành phủ Hà Đông (sau đổi thành phủ Tam Kỳ) và không lâu sau đó phủ lỵ được dời về đặt tại xã Tam Kỳ. Từ đó, trong dân gian, Tam Kỳ được hàm hai nghĩa rộng hẹp khác nhau. Với nghĩa hẹp, Tam Kỳ là một xã phủ lỵ; với nghĩa rộng, Tam Kỳ là một phủ gồm nhiều tổng mà ngày nay bao gồm các huyện Núi Thành, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ. Tuy vậy, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi nói đến địa danh Tam Kỳ thì ai cũng hiểu đó là nói “Tam Kỳ hẹp”.

Xã Tam Kỳ xưa

Từ “vi tử Tam Kỳ” đến “vi tử Tam Kỳ tân lập xã” đến “xã Tam Kỳ”, tên gọi tuy có khác, nhưng theo các tư liệu ruộng đất hiện còn ở địa phương, địa giới của vùng đất này không đổi: phía nam và đông nam giáp sông Tam Kỳ, phía tây nam giáp xã Dưỡng An, phía tây giáp xã Đá Bạc, phía bắc giáp một nhánh nữa của sông Tam Kỳ. Tứ cận ấy đã được địa bạ thời Gia Long ghi rất rõ.

Xã Tam Kỳ xưa nằm ven đường thiên lý; từ phía bắc vào có cống Suối Đá (được ghi tên trong sách PBTL). Cống ấy nay gọi là cống Ngân hàng vì cạnh đấy, có trụ sở một ngân hàng tư nhân từ trước năm 1975. Gần đến sông Tam Kỳ có nhà dịch trạm Tam Kỳ (nay gần khu vực chùa Tịnh Độ). Bến tuần đò sông Tam Kỳ (được nhắc đến trong sách PBTL) nay nằm giữa cầu cũ và cầu mới Tam Kỳ. Đối diện bến ấy là làng Khương Mỹ - nơi có ba ngọn tháp Chăm được nhiều người biết.

Xã Tam Kỳ xưa có một công trình trị thủy rất nổi tiếng. Đó là con đường đắp chặn một nhánh sông Tam Kỳ để nối ấp Hương Trà (thuộc xã Tam Kỳ) - nằm trên một cồn đất giữa sông với đường thiên lý. Con đường đắp này được trồng cây cừa, cây sưa để giữ chân. Về sau, sưa, cừa mọc sum sê nên có tên là Vườn Cừa. Nơi đây về sau trở thành thắng cảnh với hàng vài chục gốc sưa già hàng năm trổ hoa vàng rực rỡ, thơm ngát.

Tam Kỳ xưa có một vị trí đặc biệt, được cho là nền một tháp Chăm đã đổ (vì căn cứ vào gạch đá, tượng, di tích còn lại), trên ấy người xưa xây một miếu Quan Thánh đế quân (còn gọi là Chùa Ông), nay còn một tượng Quan Công. Về sau, hào lý xã Tam Kỳ đã cho dời đình làng Tam Kỳ về đặt ngay trước miếu này. Chư vị tiền hiền xã Tam Kỳ được cung nghinh thờ ở đình (sau này gọi là đình làng Hương Trà). Sự gặp gỡ của ba yếu tố văn hóa Chăm, Hoa, Việt thể hiện rất rõ trên các công trình ở cùng vị trí nói trên.

Ở ấp Hương Trà xã Tam Kỳ xưa có một ngôi mộ gắn liền với câu chuyện huyền hoặc “Thầy Lánh” nổi tiếng ở Nam Quảng Nam: Đó là ngôi mộ được cho là nơi chôn chiếc giày của Thầy Lánh đánh rơi khi nhân vật huyền thoại này cỡi rồng bay vào Nam để tránh bị triều đình xử tội. Trên tấm bia trước mộ ghi đây chính là mộ người (Bích Nhãn tôn sư Nguyễn Đức Lánh tiên sinh thần mộ); nhưng dân địa phương vẫn cứ cho đây là “ngôi mộ giày” và thường kể đi kể lại bao hành trạng “diệt ác, trừ gian, cứu dân nghèo” của nhân vật liên quan.

Về thăm TP.Tam Kỳ, tìm dấu tích xã Tam Kỳ xưa sẽ thấy còn khá nhiều di tích (mộ cổ, miếu thờ, nhà cổ, chuyện xưa…) cần được thống kê và khám phá.

PHÚ BÌNH